Cần chính sách toàn diện cho tài chính xanh

Việc chưa có quy định cụ thể khiến Ngân hàng nhà nước không thể triển khai các chính sách cụ thể, trong khi doanh nghiệp đi vay và ngân hàng (NH) đều khó xử trong nhiều tình huống.

Sáng 18-10, Báo SGGP Đầu tư Tài chính phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức hội thảo “Tài chính xanh: Chia sẻ lợi ích – rủi ro giữa doanh nghiệp và ngân hàng”.

Chưa có quy định, doanh nghiệp, ngân hàng đều khó xử

Ông Lê Đăng Khoa, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp OCB chia sẻ, phát triển tín dụng xanh là một hành trình dài, có ba chủ thể chính trong hành trình này. Về cơ quan quản lý, NH mong cơ quan quản lý có chính sách cụ thể, tổng thể hơn để giúp các bên liên quan dễ ứng xử trong các tình huống cụ thể. Như định nghĩa tài sản nào là tài sản xanh, vì chưa có nên chúng tôi khó xử trong nhiều tình huống.

f662f89fd90860563919.jpg
Ông Lê Đăng Khoa, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp OCB. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Về phía khách hàng doanh nghiệp (DN), ông Khoa mong muốn doanh nghiệp hiểu đây là xu hướng tất yếu, đi theo hướng rõ ràng minh bạch hơn. Về phía NH, cái khó đôi khi là phải đánh đổi lợi nhuận ngắn hạn. Tới đây, OCB cũng có chương trình cho các start-up, đóng góp nhiều cho hành trình xanh. NH cam kết đồng hành cụ thể, không phải đợi mọi thứ trọn vẹn rồi mới làm.

Cung cấp thông tin tại hội thảo, ông Tôn Thất Hạc Minh, tư vấn trưởng Công ty CP Năng lượng và môi trường thông minh (BYECO2) nói, khả năng tiếp cận tài chính xanh, thị trường carbon cần hiểu như là “quả” chứ không phải “nhân”. Là thành viên Hội đồng bình chọn báo cáo phát triển bền vững cho thấy, năng lực tài chính xanh là con người, quản trị, ESG phải được lồng ghép vào nhau. Hiện có những chủ DN SME chỉ có 4-5 người nhưng có những sản phẩm có thể đưa vào siêu thị An Nam Gourmet bán với giá cao...

b7f8ddc4b6500f0e5641.jpg
Ông Tôn Thất Hạc Minh phát biểu. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tuy nhiên, nhìn chung các DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi xanh cũng như tiếp cận tài chính xanh. ESG là xu hướng không thể chối bỏ nhưng phần lớn dành cho các DN lớn, được tư vấn bởi định chế tài chính Big 4. Trong khi các DN SME phải duy trì tài chính cho công ty hàng ngày, vậy ESG có quá phù phiếm, ngoài tầm với? Làm sao để bình dân hoá ESG để DN nhỏ và siêu nhỏ cũng có thể triển khai ESG?

Là đại diện cho cộng đồng này, ông Hạc Minh đánh giá, nhóm DN SME đang chịu sức ép lớn duy trì sự sống còn nhưng họ cũng ước muốn vượt lên chính mình. Do đó, công ty cũng đã tư vấn về kiểm toán khí nhà kính, giải pháp năng lượng, ESG mô hình nhỏ… không cần toàn diện như các định chế lớn nhưng cũng theo chuẩn mực để từng bước giúp các DN SME tham gia vào các định chế lớn hơn, nhãn hàng lớn hơn.

Trong khi đó, ông Tô Vĩ Hùng, Giám đốc Tài chính Công ty Zarubezhneft Việt Nam cho biết, đã tham dự Ủy ban Báo cáo phát triển bền vững hơn 10 năm, nhận thấy việc lập báo cáo phát triển bền vững không khó và không quá tốn kém. Đối với doanh nghiệp SME, các DN có khả năng tài chính hạn chế thì hiện nay các báo cáo phát triển bền vững trên thế giới rất đa dạng, đầy đủ và có những chuẩn mực, tiêu chuẩn dành riêng cho các DN SME nên các DN có thể tham khảo và áp dụng.

2f4b106324f79da9c4e6.jpg
Ông Tô Vỹ Hùng phát biểu. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trên thực tế, hiện có khá nhiều các báo cáo ESG DN SME đạt chuẩn quốc tế và tốt. Do đó, các DN đừng đợi việc Báo cáo phát triển bền vững trở thành yêu cầu phải tuân thủ mới làm mà nên đầu tư, nghiên cứu cách làm của thế giới để thực hiện ngay. Vì nó rất hữu ích cho DN trong việc tiếp cận nguồn vốn và có khách hàng mới.

Luật sư Châu Việt Bắc, thành viên VIAC cho biết thời gian qua, tranh chấp giữa DN và NH liên quan đến yếu tố “xanh” và “số” gia tăng.

d8d6030537918ecfd780.jpg
Luật sư Châu Việt Bắc. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Với kinh nghiệm từ cơ quan tài phán tư, nếu không kiểm soát tốt lợi ích và rủi ro của DN và NH sẽ dễ dẫn đến tranh chấp vì các vấn đề liên quan đến tài chính xanh, chuyển đổi số khá mới; thiếu khung khổ pháp lý và có liên quan đến chuẩn mực quốc tế. Do đó, muốn xử lý tốt vấn đề khi xảy ra xung đột cần phải hiểu rõ vấn đề về “xanh” và “số”.

dd3f98206fb4d6ea8fa5.jpg
Ông Phạm Việt Anh tham gia phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đặt vấn đề nhiều người thắc mắc, ông Phạm Việt Anh nói, câu hỏi đặt ra bền vững là bền vững nào? ESG có thực sự bền vững không? “Phát triển bền vững mà không tăng trưởng mới bền vững. Không tăng trưởng ở đây là tài nguyên và năng lượng. Tăng trưởng xanh nói về năng lượng không là chưa đủ vì không chỉ không phát thải khí nhà kính mà phải không rác thải nữa. Hiện nay, chúng ta đang rơi vào trạng thái tư duy đen và trắng, tức “xanh” mới tài trợ vốn trong khi các DN sẵn sàng thay đổi mục tiêu chuyển đổi xanh để ưu tiên lợi nhuận. Do đó, các NH cần cân nhắc nếu không sẽ dẫn đến tình trạng không có DN nào được vay trong quá trình quá độ", ông Phạm Việt Anh nêu quan điểm.

Cần chính sách toàn diện

Phản biện lại các ý kiến tại hội thảo để cung cấp cái nhìn đa chiều hơn, GS-TS Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nói vấn đề các đại biểu đặt ra không phải đơn giản. Ngay cả ở Mỹ, tháng 1-2023, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã phát biểu, NH Trung ương không phải nhà hoạch định chính sách khí hậu! NH Trung ương Mỹ cũng chưa đề cập nhiều đến việc này. Trong khi đó, NH Trung ương châu Âu lại đưa ra thông điệp phải bằng mọi cách đạt được net zero.

76059c0c6c98d5c68c89.jpg
GS-TS Trần Ngọc Thơ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tại Việt Nam, các NH đứng trước rủi ro rất lớn, vì quy định của NHNN không có rủi ro về khí hậu. Nếu cấp tín dụng xanh mà còn dài hạn nữa thì rủi ro tín dụng rất lớn. Nếu tới đây Quốc hội không ghi rõ điều khoản mục tiêu của NHNN là bảo vệ các tổ chức tín dụng trước các nguy cơ của biến đổi khí hậu, thì NHNN sẽ không có bộ công cụ riêng biệt để đạt được mục tiêu Net Zero.

Các khoản vay tín dụng xanh như DN mong muốn sẽ được tính rủi ro rất cao, với hàng loạt rủi ro pháp lý. Theo GS-TS Trần Ngọc Thơ, tóm lại các vấn đề pháp lý hóa, không chỉ NHNN mà Chính phủ phải vào cuộc, quy định về thuế, cho vay, sàn tín dụng xanh, phải có quy định cụ thể, có như vậy mới thúc đẩy được tín dụng xanh.

f8980b8dd91860463909.jpg
Bà Vũ Kim Hạnh trao đổi tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trao đổi tại hội thảo, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN nhận xét, Thủ tướng đã cam kết trước quốc tế về Net Zero mà nhìn lại luật về NHNN chưa đả động gì. Từ đó bà đánh giá hội thảo lần này đã giúp “vỡ vạc” ra khá nhiều.

Thảo luận thêm, TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 cho rằng, chúng ta mới nói rủi ro của tín dụng xanh. Nhưng tôi thấy tín dụng không xanh thì rủi ro lại càng cao trong tương lai. Vì tín dụng không xanh, sản phẩm không xuất khẩu được. Trong tương lai, nếu NH thoải mái cấp tín dụng không xanh thì càng rủi ro hơn.

Tại hội thảo, đại diện các NH, DN và các chuyên gia cũng đã có nhiều trao đổi, tranh luận sôi nổi.

Kết luận, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá rất cao tọa đàm đã mang đến nhiều thông tin bổ ích.

cb5aa89ecc0a75542c1b.jpg
Ông Phan Đức Hiếu kết luận hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh, chúng ta có rất nhiều công cụ trung gian để giảm thiểu rủi ro. Trước hết, bảo hiểm là công cụ rất tốt. Bảo hiểm tiêu chí, hoặc bảo hiểm phi nhân thọ, hoàn toàn có thể thiết kế các sản phẩm để giảm thiểu rủi ro cho tín dụng xanh.

Đặc biệt, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ có thể giúp giảm thiểu rủi ro. Thúc đẩy khởi nghiệp công nghệ, chưa cần chính sách mà có thể tự thân vận động.

c9c745df7948c0169959.jpg
Chủ tọa hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Từ hội thảo này, ông Phan Đức Hiếu cũng đúc kết rằng cần sớm có tư duy về ESG, không đợi phải giàu mới cố gắng, mà cần tư duy ngay từ đầu về phát triển xanh.

Cùng với đó, sự hợp tác giữa DN và NH phải dựa trên sự tin cậy, không thể thiếu các tổ chức đánh giá độc lập. NH cũng cố gắng có sản phẩm cho vay trung và dài hạn như đề xuất của DN.

Đánh giá cao tính chuyên môn, hữu ích của hội thảo, ông Phan Đức Hiếu đề nghị Báo SGGP, ban tổ chức hội thảo cần báo cáo tổng kết gửi đến các cơ quan Quốc hội, Chính phủ. Ông mong muốn từ góc độ cơ quan nghiên cứu chính sách, nên tiếp tục thảo luận chuyên sâu hơn về vấn đề này để hình thành được các chính sách phát triển tài chính xanh trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục