“Chỉ khi xuất hiện hoàn cảnh đặc biệt thì các hộ kinh doanh mới nhận được sự chú ý và những gì dành cho họ hiện vẫn chỉ là những chính sách ngắn hạn”, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng VEPR nói, và cho biết thêm, mãi cho tới cách đây vài ngày, hộ kinh doanh mới được thêm vào diện được nhận hỗ trợ từ gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ. Trong khi đó, hiện nay, Việt Nam có khoảng 5,3 triệu hộ kinh doanh, đóng góp 30% GDP, tạo ra gần 10 triệu việc làm trên phạm vi cả nước.
TS Nguyễn Quốc Việt cùng các diễn giả khác tại hội thảo cùng chia sẻ quan điểm cho rằng, hộ kinh doanh đang phải chịu những tác động nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19. “Có những nhược điểm cố hữu khiến hộ kinh doanh khó vươn lên, chuyển sang mô hình “chính thống” hơn, đặc biệt là hơn 60% lực lượng lao động của hộ kinh doanh là lao động không có kỹ năng”, TS Nguyễn Quốc Việt nhận xét và cho rằng Chính phủ cần có những giải pháp thiết thực, mạnh mẽ và chuyên biệt hơn để giúp họ hồi phục.
Cùng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị thay đổi tư duy chính sách, giảm thiểu những bất hợp lý mà hộ kinh doanh phải chịu trong quá trình tuân thủ pháp luật về đầu tư kinh doanh. TS Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV nói rõ hơn: “Giải pháp quản lý các doanh nghiệp với quy mô, đặc thù khác nhau phải khác nhau. Tôi nghĩ, để tạo điều kiện cho hộ kinh doanh phục hồi và phát triển thì tốt nhất là có những nghị quyết của Đảng; của Quốc hội với chỉ tiêu rõ ràng ngay từ khâu tham gia thị trường cho đến toàn bộ quá trình hoạt động sau này, từ tiếp cận vốn cho đến thuế khoá, chuyển đổi số…”. TS Cấn Văn Lực gợi ý các hộ kinh doanh nên tham gia vào các hiệp hội hiện có để có người đại diện pháp lý khi cần, cũng như tận dụng được nhiều ích lợi từ việc “buôn có bạn, bán có phường”…