Theo dự thảo kế hoạch của UBND TPHCM thực hiện Nghị quyết 57, TPHCM dự kiến đặt mục tiêu đến năm 2030, khoa học công nghệ (KH-CN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) phát triển vững chắc, góp phần đưa thành phố là địa phương có thu nhập cao nhất cả nước. Cụ thể, quy mô kinh tế số đạt 50% GRDP; là trung tâm công nghiệp công nghệ số của cả nước; thuộc nhóm 100 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST năng động nhất toàn cầu; tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số dẫn đầu cả nước…
Thành phố cũng đặt mục tiêu hỗ trợ 5.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; hình thành ít nhất 5 trung tâm xuất sắc đạt chuẩn quốc tế (CoE) trong các lĩnh vực trọng tâm. Đồng thời, thúc đẩy, hỗ trợ hình thành 5 – 10 doanh nghiệp công nghệ lớn; số lượng công bố khoa học quốc tế tăng trung bình 10%/năm; số lượng đơn đăng ký sáng chế, văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16 - 18%/năm, tỷ lệ khai thác thương mại hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST đạt 8 - 10%.
TPHCM phấn đấu thuộc nhóm 5 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về năng lực cạnh tranh, thuộc nhóm 3 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về chỉ số chính phủ điện tử, chính phủ số. Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp đạt trên 80%. Tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt đạt trên 80%. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động ĐMST đạt trên 40% trong tổng số doanh nghiệp. Phát triển xã hội số, công dân số, công nghiệp văn hoá số đạt mức cao trong cả nước; thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu về an toàn, an ninh không gian mạng, an ninh dữ liệu và bảo vệ dữ liệu. Từng bước làm chủ một số công nghệ chiến lược, công nghệ số như: Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối, bán dẫn, thông tin di động 5G, 6G, thông tin vệ tinh và một số công nghệ mới nổi.
Góp ý tại hội nghị, chuyên gia công nghệ Nguyễn Văn Phương, Trưởng Trung tâm đào tạo và nghiên cứu quản lý công, Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng, để triển khai các mục tiêu cụ thể hóa Nghị quyết 57, TPHCM cần giải quyết các bất cập về chuyển đổi số trong thời gian qua. Đồng thời, cần đánh giá lại từng hệ thống dịch vụ công cụ thể, để đánh giá kết quả chuyển đổi số. Từ đó, triển khai được những mục tiêu xa hơn. Ông Phương cũng đề nghị cần có chính sách phát triển nguồn nhân lực, trong đó đào tạo phổ cập về trí tuệ nhân tạo (AI)…
Cùng quan điểm, ông Võ Văn Khang, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin phía Nam nhấn mạnh, để triển khai tốt các mục tiêu theo nghị quyết mà thành phố đề ra thì nguồn nhân lực đóng vai trò tối quan trọng. Hiện TPHCM có nguồn nhân lực và hạ tầng mạnh hơn các đại phương khác là một lợi thế, nhưng cần có chính sách thu hút và đào tạo để có các bước đi đột phá, nhanh hơn. Chuyên gia cho rằng cần tạo điều kiện về thu nhập, vinh danh với các giải thưởng lớn… để thu hút được các chuyên gia hàng đầu về công nghệ đến với thành phố.
Giám đốc Sở TT-TT Lâm Đình Thắng cho biết, TPHCM đặt mục tiêu phát triển dựa trên KH-CN, ĐMST… Do đó, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị rất quan trọng cho sự phát triển đột phá của thành phố. Sau khi Nghị quyết 57 được ban hành, lãnh đạo TPHCM đã yêu cầu tập trung, khẩn trương, quyết liệt triển khai nghị quyết. Theo đó, Sở TT-TT TPHCM đã làm việc với các tập đoàn công nghệ lớn, Hội tin học TPHCM và các chuyên gia, sở ngành để nghe thêm ý kiến góp ý cho các mục tiêu của TPHCM trong triển khai Nghị quyết 57.
Giám đốc Sở TT-TT khẳng định tiếp tục lắng nghe, tiếp nhận ý kiến, hiến kế của chuyên gia, nhà khoa học để TPHCM triển khai hiệu quả Nghị quyết 57.