Với mặt bằng giá cả và thu nhập hiện nay, ĐB Trần Hoàng Ngân thẳng thắn nhận định: “Ngay cả với những người lao động thuộc diện phải chịu thuế thu nhập thì sau khi trừ các chi phí sinh hoạt đi cũng rất khó mua được nhà ở, kể cả nhà ở xã hội”.
Để nhanh chóng, thiết thực cải thiện chất lượng sống cho người lao động, theo ĐB Trần Hoàng Ngân, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cần có chính sách hỗ trợ phát triển loại hình nhà trọ đảm bảo an toàn, thuận tiện cho người lao động. Điều này sẽ giúp huy động được nguồn lực xã hội trong việc xây dựng, tạo lập quỹ nhà ở cho người lao động.
Bên cạnh đó, ĐB Trần Hoàng Ngân lưu ý, nếu chỉ quy định hướng đến công nhân trong các khu công nghiệp, khu kinh tế thì sẽ bỏ sót hàng triệu đối tượng khác cũng rất cần được hỗ trợ. “TPHCM có 2-3 triệu công nhân, nhưng làm việc trong các khu công nghiệp chỉ khoảng 330.000 người. Nếu chỉ quan tâm đối tượng trong khu công nghiệp thì bỏ sót tới 80-90% người cần hỗ trợ”, ĐB Trần Hoàng Ngân nói.
ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: QUANG PHÚC |
Các ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Nguyễn Thị Hồng Hạnh cũng chia sẻ quan điểm này. ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh nói thêm: “TPHCM còn có khu công nghệ cao và khái niệm này chưa được đề cập đến trong dự thảo luật”.
Liên quan đến quy định UBND tỉnh, thành phải lập kế hoạch phát triển nhà ở theo nhiệm kỳ hoặc hàng năm, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết thẳng thắn nhận xét: “Chỉ nên tập trung lập kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, nhà cho người thu nhập thấp, tức là những đối tượng mà Nhà nước cần phải hỗ trợ thôi, chứ đưa cả nhà ở thương mại vào thì vừa không chính xác, vừa không cần thiết và làm chậm trễ tiến độ các dự án”.
ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: QUANG PHÚC |
Đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng, cải tạo chung cư cũ, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết góp ý, quy định về thủ tục công nhận chủ trương đầu tư sau khi đã công nhận chủ đầu tư cũng là không cần thiết, cần lược bỏ để việc triển khai các dự án loại này thuận lợi hơn.
Một quy định khác nhằm giúp người lao động có thêm cơ hội sở hữu nhà của riêng mình, theo ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, liên quan đến quy định các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại phải dành 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. “Vẫn nên quy định đóng góp, nhưng bằng tiền, để chính quyền phát triển nhà ở xã hội, vì việc dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để xây nhà ở xã hội có nhiều điểm không thuận”, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết nhận xét.
ĐB Nguyễn Minh Hoàng (TPHCM) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: QUANG PHÚC |
ĐB Nguyễn Minh Hoàng cũng cho rằng, nhiều tồn tại của TPHCM sẽ không xử lý được, nếu thực hiện theo dự thảo luật này. “Ít nhất trong vòng 5 năm nữa chưa thể nào đáp ứng được nhu cầu nhà lưu trú công nhân, nhà cho người có thu nhập thấp… nên rất cần chú trọng phát triển nhà trọ, nhà cho thuê”, ông nói.