Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM Lê Thị Kim Thúy, hiện đa số công nhân đã quay trở lại làm việc, các khu nhà trọ đã bắt đầu đông đúc. Người lao động mong muốn có nơi ở khang trang, chi phí phù hợp để đảm bảo sức khỏe và phòng chống dịch bệnh. Bà Lê Thị Kim Thúy cũng cho biết, hiện bảo hiểm y tế chỉ hỗ trợ khám và điều trị, chưa hỗ trợ khám tổng quát, trong khi đó nhiều công nhân lao động mắc Covid-19 có nhu cầu được kiểm tra sức khỏe tổng quát.
Đại diện các quận, huyện và TP Thủ Đức đề xuất sớm có các dự án nhà ở cho công nhân lao động cũng như các chính sách hỗ trợ chủ nhà trọ vay vốn lãi suất thấp để sửa chữa, xây mới nhà trọ, giúp người lao động có nơi ở tốt hơn. Hiện rất nhiều nhà trọ đã xuống cấp, không an toàn. Ngoài ra, sau dịch đã xuất hiện tình trạng bán sổ Bảo hiểm xã hội, do đó mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc giám sát và ngăn chặn kịp thời. Đại diện các địa phương cũng đề xuất thời điểm cuối năm cần tăng cường các chương trình bình ổn thị trường, đưa hàng hóa thiết yếu đến người lao động; ổn định giá điện, nước, hàng tiêu dùng sau dịch.
Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM Cao Thanh Bình nhìn nhận, sau dịch, nhu cầu về vốn của người lao động rất cao, nếu không có sự sâu sát cùng chính sách phù hợp để người nghèo tiếp cận nguồn vốn chính thống sẽ đẩy người dân đến chỗ vay tín dụng đen. Đồng chí Cao Thanh Bình đề xuất Ngân hàng chính sách xã hội TPHCM bên cạnh giảm lãi vay, khoanh nợ, giãn nợ, cần có nghiên cứu để người nghèo, cận nghèo, lao động khó khăn được tiếp tục vay vốn để kinh doanh, buôn bán.