Cần chính sách đột phá về quốc tịch cho kiều bào

Chia sẻ tâm tư, nguyện vọng khi về dự “Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới” lần thứ 4 tại Hà Nội vào sáng 22-8, nhiều kiều bào đánh giá cao việc đầu tư, phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn ở Việt Nam, đồng thời khẳng định sẵn sàng về phục vụ cho quê hương, đất nước.

z5755246394251_2d920815c3b449804151070c75bdc49f.jpg

Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Đình Thắng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu cho rằng, cần có quyết sách mang tính đột phá để tạo thuận lợi cho kiều bào được trở lại quốc tịch Việt Nam, đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài và xác định quốc tịch cho trẻ em người Việt lai.

Nhiều quốc gia trên thế giới thay đổi chính sách quốc tịch đối với người nhập cư, do đó nhiều bà con người Việt đã xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài, nay có nguyện vọng trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài.

HoangDinhThang.jpg
Ông Hoàng Đình Thắng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu trình bày tham luận tại hội nghị, sáng 22-8. Ảnh: QUANG PHÚC

“Nguyện vọng chính đáng này của bà con nhằm mục đích giữ mối liên hệ chặt chẽ về pháp lý với Nhà nước Việt Nam và truyền cho các thế hệ sau. Mặc dù đã có quy định, tuy nhiên triển khai trên thực tế rất khó khăn, nhiều quy định và giấy tờ không thể thực hiện được dẫn đến rất ít người được trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài, trong khi số người có nguyện vọng rất nhiều”, ông Thắng nêu ý kiến.

Ông Thắng cũng cho rằng, cần cân nhắc điều chỉnh, bổ sung quy định cho phép người Việt Nam ở nước ngoài được quyền tham gia ứng cử, bầu cử vào Quốc hội. Ngoài ra, mở rộng việc cho phép các Hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài trở thành thành viên các tổ chức chính trị - xã hội trong nước...

Phát biểu tại hội nghị, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, kiều bào Việt Nam tại Philippines, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương chia sẻ, ngay từ những năm tháng đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất, ông đã trở về quê hương với sứ mệnh là mở đường bay TPHCM - Manila, góp phần vào việc phá vỡ thế bao vây cấm vận. Sau đó, ông đã gom góp tài sản cũng như kêu gọi bạn bè trở về đầu tư tại quê hương.

HanhNguyen.jpg
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, kiều bào Philippines, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương trình bày tham luận tại hội nghị, sáng 22-8. Ảnh: QUANG PHÚC

Trải qua nhiều năm đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhận thấy, thời điểm hiện nay là cơ hội tốt nhất cho kiều bào trở về làm ăn tại Việt Nam.

Về thu hút nhân tài, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng, Chính phủ nên có chiến lược thu hút sinh viên, thanh niên Việt kiều về thực tập, khởi nghiệp, tham gia dự án cộng đồng tại Việt Nam để giúp họ gắn kết với nguồn cội và phát huy những sáng kiến mới.

“Một điều rất đáng mừng là thời gian gần đây, tôi nhận thấy có rất nhiều bạn trẻ từ nước ngoài trở về Việt Nam lập nghiệp, trong đó có cả những bạn sinh ra ở nước ngoài. Điều này chứng tỏ, có một sự dịch chuyển không nhỏ của tri thức từ nước ngoài về Việt Nam, đặc biệt là ở các nước có nền công nghệ và kinh tế phát triển. Ở TPHCM hiện có gần 100 công ty startup và nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm của các bạn kiều bào trẻ”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết.

Ông đề nghị Chính phủ nên áp dụng cơ chế sandbox (thử nghiệm) công nghệ mới, những mô hình kinh doanh mới mà không đòi hỏi nhiều giấy phép. Bởi có những doanh nhân công nghệ trẻ gốc Việt đã từng tiên phong sáng tạo ra những công nghệ mới chưa từng có trên thế giới nhưng khi đem về Việt Nam thì bị hạn chế bởi chính sách của Việt Nam chưa tương thông với quốc tế. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tạo điều kiện để các bạn trẻ kiều bào được thuận lợi trong việc xin quốc tịch Việt Nam mà vẫn giữ quốc tịch nước ngoài, làm căn cước để có thể ổn định cuộc sống lâu dài ở Việt Nam.

Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Việt Nam đã có những bước tiến rõ rệt thúc đẩy chuyển đổi số, tuy nhiên vẫn cần quy hoạch các “cụm công nghệ” với hạ tầng kỹ thuật số hiện đại, đặt tại thành phố lớn và vùng kinh tế trọng điểm, nơi doanh nghiệp và các startup công nghệ có thể tương tác, chia sẻ tri thức, hợp tác nghiên cứu.

VoVanHoan.jpg
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan trình bày tham luận tại hội nghị, sáng 22-8. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại diện cho địa phương có số lượng kiều bào đông nhất cả nước và thu hút lượng kiều hối nhiều nhất, phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, TPHCM luôn xem kiều bào là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

“TPHCM có khoảng 3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, chiếm hơn 40% số lượng người Việt Nam ở nước ngoài của cả nước, đa số người Việt Nam ở nước ngoài là thế hệ thứ hai trở đi, tuổi đời còn rất trẻ, có trình độ chuyên môn cao, có uy tín trong cộng đồng nước sở tại. TPHCM luôn nhận thức rằng, trong xây dựng và phát triển thành phố, cần phải huy động nguồn lực từ bên ngoài, gồm cả vốn, nguồn nhân lực, trí lực, trong đó có lực lượng kiều bào”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan khẳng định.

Theo ông Võ Văn Hoan, trong những năm qua, TPHCM đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú, góp phần huy động nguồn lực kiều bào Việt Nam ở nước ngoài về xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Cụ thể, TPHCM thường xuyên tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân.

Đặc biệt, hàng năm, TPHCM đều tổ chức các diễn đàn kinh tế với sự tham gia của kiều bào như: năm 2018 với chủ đề “Kiến tạo đô thị sáng tạo - Vai trò động lực của Doanh nghiệp”, năm 2019 là Diễn đàn Kinh tế TPHCM 2019 với chủ đề “Phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế”; năm 2022 với chủ đề “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TPHCM trong tương lai”; năm 2023 là diễn đàn kinh tế với chủ đề “Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng 0”; và năm nay, diễn đàn kinh tế sẽ được tổ chức vào cuối tháng 9 với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TPHCM”.

Nhờ đó, nguồn kiều hối đổ về TPHCM ngày càng tăng. Chỉ tính riêng năm 2023, kiều hối của TPHCM đạt 9,5 tỷ USD, gấp 3 lần vốn FDI đầu tư trực tiếp vào TPHCM cùng năm. TPHCM đã thu hút hàng chục chuyên gia, trí thức, doanh nhân người Việt Nam trên thế giới về công tác, sinh sống dài hạn tại TPHCM, tham gia tư vấn cho các dự án, dạy học trong các trường đại học. Chỉ riêng ĐHQG TPHCM đã ký kết hợp tác với 200 trí thức là các kiều bào.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, TPHCM đang có những chính sách cụ thể để thu hút nguồn lực kiều bào về đóng góp, xây dựng quê hương. Đơn cử như chính sách hỗ trợ thu hút nhân tài của TPHCM với mức hỗ trợ 1,5 tỷ đồng/người/năm.

Tin cùng chuyên mục