Nhìn lại thời gian qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Nghị quyết 13 ban hành năm 2002 nêu: “Kinh tế tập thể hiện nay còn nhiều mặt yếu kém, năng lực nội tại hạn chế...”. Đến năm 2013, sau khi cả nước tổng kết 10 năm thực hiện phát triển kinh tế tập thể, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 56 vẫn còn đánh giá “Kinh tế tập thể vẫn chưa thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài” với chỉ 15% tổng số HTX hoạt động hiệu quả, cá biệt có nơi chỉ 10%.
Với kết quả hoạt động hiện nay của kinh tế tập thể, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định: “HTX đã thoát khỏi tình trạng yếu kém và chất lượng, số lượng được nâng lên”.
Nguyên nhân là do sự quan tâm, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các địa phương trên cả nước trong quyết liệt cụ thể hóa, triển khai Nghị quyết của Trung ương. Hiện cả nước đang có 8.744 HTX phi nông nghiệp, tăng hơn 2 lần so với năm 2003 và chiếm tỷ trọng 39% tổng số HTX trong nền kinh tế. Với 1,7 triệu lao động thường xuyên, HTX phi nông nghiệp đã chi lương trung bình 60 triệu đồng/người/năm, cao gấp 1,5 - 2 lần so với HTX nông nghiệp.
Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao các bộ ngành, địa phương và Liên minh HTX Việt Nam nghiên cứu đề xuất chỉnh sửa Luật HTX năm 2013 theo hướng tăng cường trách nhiệm của các thành viên trong HTX về phát triển tài sản không chia, phát triển thành viên. Các bộ ngành tiếp tục đánh giá các chính sách đất đai, tín dụng, cơ sở hạ tầng, tiếp cận thị trường, ứng dụng khoa học - công nghệ… để thực hiện hiệu lực, hiệu quả hơn trong thực tiễn, tạo ra sức bật mới cho các HTX và các thành viên.
Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển HTX phi nông nghiệp mà địa phương có tiềm năng, lợi thế; ưu tiên thực hiện hiệu quả một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho HTX lĩnh vực phi nông nghiệp phát triển.