Cần chiến lược dài hạn cho cây lúa, hạt gạo

 Trong bối cảnh đầu ra gặp nhiều khó khăn, giá lúa ĐBSCL khó cao như năm ngoái. Việc giảm diện tích trồng lúa, cân đối sản lượng xuất khẩu gạo vừa phải được gợi mở như lối ra bền vững cho hạt lúa ĐBSCL.
 Thương lái thu mua lúa Đông Xuân ở ĐBSCL
Thương lái thu mua lúa Đông Xuân ở ĐBSCL

“Cả doanh nghiệp và ngân hàng đều cam kết đồng hành để thúc đẩy tiêu thụ lúa hàng hóa tại ĐBSCL”, đây là nội dung cốt lõi tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo ĐBSCL được tổ chức tại Đồng Tháp ngày 26-2. Tuy nhiên, trong bối cảnh đầu ra gặp nhiều khó khăn, giá lúa ĐBSCL khó cao như năm ngoái. Việc giảm diện tích trồng lúa, cân đối sản lượng xuất khẩu gạo vừa phải được gợi mở như lối ra bền vững cho hạt lúa ĐBSCL.

Giá lúa khó cao như năm ngoái

“Sau ý kiến chỉ đạo thu mua lúa tạm trữ của Thủ tướng Chính phủ giá lúa có tăng nhẹ, song vẫn còn thấp so với năm 2018, giá lúa và khâu tiêu thụ vẫn còn đó những khó khăn. Chuyện tiêu thụ lúa đông xuân trở nên nóng. Nóng vì doanh nghiệp không đủ hạn mức tín dụng mua lúa cho nông dân. Để giải quyết vấn đề căn cơ, Chính phủ cần có giải pháp, chính sách để xác lập dài hạn hơn cho chuỗi giá trị ngành ngành hàng lúa gạo”, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, phát biểu tại hội nghị.

Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày qua nhiều doanh nghiệp đã triển khai gia tăng thu mua lúa của nông dân. Dọc theo tuyến đường nối Cần Thơ - Vị Thanh (Hậu Giang) xuất hiện nhiều xe tải thu mua lúa của nông dân vừa thu hoạch ven đường. “Doanh nghiệp đã mua lúa nhưng giá mua còn quá thấp. Tôi vừa bán lúa cho doanh nghiệp với giá 4.600 đồng/kg. Đây là giống tốt lúa hạt dài, giá bán này thấp hơn cùng kỳ năm ngoái gần 1.000 đồng/kg”, ông Năm Hùng, một nông dân huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang vừa bán lúa cho doanh nghiệp ven đường nối Hậu Giang, cho biết.

Với mức giá này, nông dân chỉ đạt lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/ha, thấp hơn năm ngoái khoảng 10 triệu đồng/ha. Hiện giá lúa ở các địa phương như Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang dao động từ 4.600 đồng - 5.100 đồng/kg. “Hiện giá lúa đông xuân giảm khoảng 300 đồng/kg so với trước Tết Nguyên đán và giảm 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ. Nông dân vẫn có lãi nhưng không nhiều. Tôi đề nghị, phía ngân hàng cần tạo ra cơ chế thông thoáng để doanh nghiệp tiếp cận đủ nguồn vốn để mua lúa của doanh nghiệp. Đề nghị các bộ ngành nên xem xét phân bổ chỉ tiêu thu mua lúa tạm trữ về để bình ôn mặt bằng giá lúa ở các địa phương”, ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đề xuất.

Giá lúa trong những ngày qua có tăng nhẹ khoảng 100 - 150 đồng/kg sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các doanh nghiệp thu mua. Song, nhiều vùng nông thôn sâu, nông dân thu mua lúa nhưng khó bán cho thương lái. Trước tình hình này, nhiều địa phương như Đồng Tháp, Hậu Giang, Tiền Giang, Long An đã vận động các HTX, doanh nghiệp mở kho cho nông dân trữ lúa chờ giá nhích lên mới bán. Hiện nay phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu gạo gặp khó khăn về nguồn vốn thu mua lúa. Còn nông dân bước vào thu hoạch rộ lúa đông xuân như “ngồi trên lửa” chờ giá và chờ doanh nghiệp thu mua.

Đâu là giải pháp căn cơ, dài hạn? 

Nguồn vốn, thời gian vay cần kéo dài hơn và lãi suất là 3 vấn đề được hầu hết ý kiến của doanh nghiệp xuất khẩu gạo đề cập. Cụ thể theo một số doanh nghiệp, những năm gần đây xuất khẩu gạo thuận lợi ngay từ đầu năm. Doanh nghiệp mua rồi xuất, nhanh quay vốn. Nay khó khăn đầu ra nên cần vay thời gian dài để trữ chờ thời điểm xuất thích hợp. “Tình hình sản xuất kinh doanh, xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ diễn biến phức tạp và cạnh tranh khốc liệt hơn năm 2019” - đây là nhận định của ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).

Theo ông Nam, hiện nay do tình hình thu hoạch rộ nên nhu cầu thu mua dự trữ lưu thông tăng đột biến. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lương thực đều thiếu vốn dự trữ lưu thông so với hoạt động bình thường. VFA đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu xem xét chỉ đạo các ngân hàng thương mại có gói tín dụng riêng cho đợt thu mua dự trữ này, thời gian dài tối đa 6 tháng để các doanh nghiệp tăng cường thu mua hết lúa hàng hóa trong tháng 3 và chủ động lựa chọn thời gian bán ra thích hợp giúp nông dân có nguồn vốn kịp thời tác đầu tư cho vụ hè - thu sắp tới.

Đáp lại những kiến nghị này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết: “Ngân hàng cam kết phối hợp với các bộ và địa phương cung cấp đủ vốn, tập trung giải quyết vốn kịp thời cho doanh nghiệp. Các ngân hàng thương mại tuân thủ trần lãi suất 6%/năm”. 

Theo Bộ NN-PTNT, trong 10 năm qua, sản lượng lúa đạt 700 - 709 triệu tấn, lượng gạo thương mại 31- 48 triệu tấn/năm. Các quốc gia có sản lượng gạo lớn nhất bao gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Brazil, Nhật Bản. Sản lượng lúa của Việt Nam từ 42 - 45 triệu tấn, sản lượng gạo từ 26 - 29 triệu tấn/năm. Kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt trên 3 tỷ USD, cao nhất trong 6 năm qua.


Tại hội nghị, nhiều lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL và giới doanh nghiệp rất đồng tình với ý kiến của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan: “Thủ tướng Chính phủ vừa có những chỉ đạo các bộ, ngành liên quan gấp rút hành động để xử lý một tình huống “chẳng đặng đừng”, đó là giải cứu lúa gạo, giải cứu nông dân. Tuy nhiên tôi đề nghị chúng ta thoát khỏi “tư duy mùa vụ và thương vụ” để kiến tạo một chiến lược dài hạn hơn cho một ngành hàng có thể không đóng góp nhiều cho giá trị xuất khẩu nhưng là sinh kế của hàng chục triệu nông dân đồng bằng!”.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết đang tổng rà soát lại diện tích sản xuất lúa căn cơ để phục vụ cho tổng kết chương trình an ninh lương thực. Trong đó, Bộ sẽ chủ động đề xuất giảm khoảng 500.000ha diện tích trồng lúa (trên 4 triệu ha) ở những vùng đất khó, kém hiệu quả. Đồng thời thực hiện tái cơ cấu đồng bộ ngành hàng lúa gạo. Theo đó, khâu sản xuất phải gắn chặt chuỗi liên kết; đầu tư sâu khâu chế biến để tận dụng khai thác các sản phẩm từ hạt gạo; tổ chức thị trường đa dạng và tập trung cạnh tranh ngay sân nhà Việt Nam.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp: Doanh nghiệp cần đặt lợi ích quốc gia, lợi ích của người dân lên trên lợi nhuận của doanh nghiệp

Hiện nay, việc xây dựng chuỗi ngành hàng lúa gạo là hết sức cấp bách. Chuỗi ngành hàng phải được hình thành dựa trên niềm tin của từng đối tác trong chuỗi đó. Niềm tin chỉ có được khi thông tin thị trường đầy đủ, minh bạch, không bị méo mó vì những lý do lợi ích cục bộ.

Vai trò “dẫn dắt thị trường” của doanh nghiệp là điều kiện cần và điều kiện đủ là người sản xuất phải được chia sẻ đầy đủ thông tin đó. Với niềm tin mới trong những ngày đầu năm mới, tuy còn nhiều trắc trở, nhưng chúng ta cần biến thách thức thành thời cơ để tái cơ cấu lại ngành hàng lúa gạo cho một vùng trọng điểm với hơn 10 triệu nông dân trồng lúa. Nhân dịp này, tôi đề nghị các doanh nghiệp tiêu thụ lúa gạo, nhất là 2 đơn vị chủ lực là Vinafood 1 và Vinafood 2 cùng ngồi lại với các địa phương có diện tích sản xuất lúa trọng điểm để cùng hoạch định tầm nhìn chiến lược dài hạn. Các doanh nghiệp cần đặt lợi ích quốc gia, lợi ích của người dân lên trên lợi nhuận của doanh nghiệp. 

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương: Sớm chính quy hóa sản xuất lúa gạo

Hiện các nước nhập khẩu cũng đa dạng hóa nguồn nhập khẩu tránh phụ thuộc vào một thị trường. Việt Nam cần có những giải pháp căn cơ - tối ưu hóa nguồn cung. Trước mắt sản lượng xuất khẩu gạo dao động ở ngưỡng 5 triệu tấn/năm là hợp lý (nếu ở ngưỡng 6 hoặc trên 6 triệu tấn sẽ gặp khó). Những năm qua, có một số doanh nghiệp lơ là chạy theo số lượng xuất khẩu mà thiếu kiểm soát chất lượng bị “tuýt còi” rất đáng tiếc. Điều chúng ta cần làm là sớm chính quy hóa sản xuất lúa gạo theo chuỗi sản xuất, truy xuất nguồn gốc. Cần xem đây là yêu cầu của xã hội hiện đại, chứ không phải rào cản!

Tin cùng chuyên mục