Tham dự diễn đàn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm, các diễn giả, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương…
TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM thông tin, trong 2 năm 2016 và 2017, TPHCM đã chi khoảng 90 triệu USD ngân sách cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; trong đó, chi hơn 45 triệu USD cho đầu tư phát triển khoa học công nghệ…
Hiện tại, TPHCM có trên 350.000 doanh nghiệp, đóng góp trung bình hàng năm khoảng 22% tổng sản phẩm quốc nội, 1/3 sản lượng công nghiệp, 1/3 tổng thu ngân sách và 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Về cơ cấu ngành trong GRDP, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 58,26%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 24,78%; khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng 0,81%.
Về tiềm lực khoa học công nghệ (KHCN), TPHCM có các Khu công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Khu phần mềm Quang Trung, Trung tâm Công nghệ sinh học, Viện Khoa học công nghệ tính toán, 45 trường đại học và 30 trường cao đẳng, trên 125 phòng thí nghiệm, 270 tổ chức KHCN.
Theo TS Nguyễn Kỳ Phùng, TP đang có trên 760 nhóm cá nhân/tổ chức khởi nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực, chiếm hơn 42% số lượng startup cả nước. Có hơn 46% (tương đương 350 startup) đã và đang tham gia các chương trình hỗ trợ của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn TP.
Trong đó, có 222 startup (chiếm 63%) đã và đang được hỗ trợ ươm tạo tại 10 cơ sở ươm tạo của Nhà nước trong giai đoạn từ 2011 đến nay. Ngoài ra, có khoảng 49% startup đã tìm được nhà tài trợ và đầu tư; trong đó, có khoảng 70% là đang ở các giai đoạn đầu tiên của quá trình gọi vốn đầu tư (seed-funding, series A).
Trao đổi với các đại biểu, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, mặc dù TPHCM sẵn có hàng loạt lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực, nhưng cũng thừa nhận một trong những cái yếu của TPHCM chính là vai trò quản lý Nhà nước, ứng dụng khoa học công nghệ vào cuộc sống; sự kết nối giữa doanh nghiệp (DN) với các nhà khoa học… còn hạn chế.
Hạn chế này không phải mới đây, của ngày hôm nay mà kéo dài 40 năm rồi. Cuộc gặp mặt giữa các DN với chuyên gia hôm nay giúp TP mạnh thêm, khắc phục được những hạn chế của mình.
Cách khắc phục thứ 2 đó là ngay từ khi thành lập DN mới cần có sự kết hợp giữa công nghệ và kinh doanh. Người học công nghệ thì học thêm về kinh tế, nghiên cứu thị trường để xem mình quyết định làm gì. Còn những doanh nghiệp sẽ ngồi lại xem sẽ quyết định đầu tư ra sao. Nếu kết nối hiệu quả giữa khoa học và kinh doanh sẽ là lợi thế cho DN phát triển.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân trăn trở: “Câu hỏi đặt ra là để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thì cần làm gì? Vì sao TP phải quan tâm khởi nghiệp sáng tạo khi thu nhập bình quân trên đầu người rất thấp, chỉ khoảng 2.300USD/người. Nói cách khác, liệu thu nhập thấp có khởi nghiệp sáng tạo được không? Trên thực tế, không phải đợi dân thật đông mới làm khởi nghiệp sáng tạo mà là có sự chuẩn bị công nghệ tốt, kết nối tài chính hiệu quả... Nhiều nước ở châu Á có nền tảng giống Việt Nam nhưng đã làm được. Chẳng hạn Israel chỉ có 5,6 triệu dân nhưng trở thành một quốc gia hàng đầu thế giới về khởi nghiệp sáng tạo. Như vậy, vấn đề không phải là số đông mà là sự chuẩn bị nhân lực tốt, có khả năng về công nghệ kết nối tài chính… Chúng ta đã có chương trình của Chính phủ, TP nhưng chỉ khi nào nhà khoa học coi đó là chương trình của mình và làm quyết liệt thì sẽ thành công”.
Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, những cuộc gặp gỡ thế này giữa các DN, chuyên gia khởi nghiệp được tổ chức thường xuyên sẽ giúp TPHCM sớm thành công. Các DN khởi nghiệp của TP muốn phát triển cần dựa vào chính những DN người Việt đã khởi nghiệp thành công.