Hàng loạt vụ bạo hành bị phát hiện như vụ ở Trường Mầm non Sen Vàng (Hà Nội), Trường tư thục Thanh Xuân Nam (Thanh Hóa), Cơ sở mầm non tư thục Trường Mầm Xanh (TPHCM). Điều đáng nói là các vụ bạo hành không dừng ở các trường có điều kiện vật chất thiếu thốn, ở các nhóm trẻ tự phát mà còn xuất hiện cả ở những trường có điều kiện tốt, trang bị hiện đại.
Không chỉ bị bạo hành ở trường, trẻ còn bị bạo hành ngay trong gia đình như vụ cháu N.H.N.T, 7 tuổi tại Châu Thành, Kiên Giang bị cha ruột và mẹ kế bạo hành bằng cách dí thanh sắt nóng vào mặt, cánh tay, gây nhiều vết bỏng sâu. Hay vụ việc cháu bé 2 tháng tuổi ở Phủ Lý, Hà Nam bị người giúp việc nhiều lần dùng tay đánh vào gáy, đầu, người và tung cháu lên, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cháu.
Thậm chí có trường hợp phải nhập viện cấp cứu, điều trị như trường hợp cháu V.H.N, 9 tuổi tại Vĩnh Long bị mẹ ruột và bác họ thường xuyên đánh đập dẫn tới đa chấn thương.
Theo thống kê của Bộ LĐTB - XH, trung bình mỗi năm có khoảng 3.000 vụ xâm hại và bạo hành trẻ em. Đây mới chỉ là thống kê các trường hợp bị phát hiện hoặc có trình báo, trên thực tế con số còn cao hơn rất nhiều.
Điều đáng nói là đa số các trường hợp đều phát hiện muộn, để xảy ra các hậu quả xấu, nhiều trẻ bị bạo hành gây chấn thương và để lại di chứng, có trẻ bị sang chấn tâm lý nặng nề, ảnh hưởng xấu về sức khỏe, tinh thần, khả năng học tập, khả năng giao tiếp và sự phát triển bình thường.
Thực tế cho thấy, nhiều trẻ nhỏ do bị người lớn đánh mắng, hành hạ tàn bạo mà trở nên đần độn, học hành sút kém, hay lo sợ, thiếu tự tin. Khi trưởng thành, những điều này sẽ rất dễ lặp lại, nghĩa là một người từng bị bạo hành khi còn nhỏ sẽ có nhiều khả năng lặp lại sự bạo hành đối với thế hệ sau.
Thiết nghĩ, trước thực trạng các vụ việc bạo hành trẻ em ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, cần đưa nội dung về phòng, chống bạo lực trẻ em vào chương trình giám sát của Quốc hội trong thời gian tới để có những chế tài mạnh hơn và đủ sức răn đe.