Giá sách giáo khoa tăng, nhà xuất bản lãi lớn
Báo cáo đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021, NXBGD cho biết, đã phát hành 64,6 triệu quyển sách giáo khoa (SGK), vượt 40% so với kế hoạch đề ra.
Doanh thu ghi nhận hơn 1.828 tỷ đồng, đạt 132% so với kế hoạch Bộ GD-ĐT giao, trong đó doanh thu thuần là hơn 1.780 tỷ đồng, doanh thu hoạt động tài chính gần 45 tỷ đồng… Doanh thu chủ yếu từ phân phối SGK và các khoản doanh thu khác liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của NXBGDVN. Đơn vị này lãi ròng sau thuế tới 287 tỷ đồng, đạt 250% so với kế hoạch Bộ GD-ĐT giao.
Về khả năng sinh lời, NXBGD có tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) là gần 40%, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản (ROA) đạt gần 18%. Bên cạnh đó, cả 7 công ty con hoạt động trong lĩnh vực tương tự do NXBGD nắm quyền chi phối đều báo lãi, với tổng cộng 46 tỷ đồng.
Nhiều phụ huynh không khỏi băn khoăn, năm 2021, ngành giáo dục chưa triển khai đủ các bộ SGK mới mà đơn vị này đã lãi đậm; nếu phát hành đủ SGK cho 12 lớp phổ thông học chương trình giáo dục phổ thông 2018 với giá cao gấp 2-4 lần giá sách cũ thì lợi nhuận từ SGK còn lớn đến đâu? “Gần nửa số SGK tiểu học con tôi không học tới nhưng vẫn phải mua, thậm chí mua với giá cao so với giá trị thật.
Điển hình như môn Giáo dục thể chất, môn cần đến vận động và hướng dẫn thực tế nhưng cũng có tới 2 cuốn lý thuyết và bài tập, cả năm học sinh chưa bao giờ học tới”, chị Nguyễn Thị Mai, phụ huynh có con học Trường Tiểu học Yên Sở (quận Hoàng Mai, Hà Nội) bức xúc. Một số phụ huynh khác cũng phản ánh, những cuốn như Đạo đức 1, Tự nhiên và Xã hội 1, Giáo dục thể chất 1, Hoạt động trải nhiệm 1... gần như học sinh không động đến.
Sách giáo khoa phải được sử dụng nhiều lần
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, TS Lê Trường Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học cao đẳng Việt Nam, cho rằng, NXBGD có lãi lớn thì nên dành một phần lãi từ làm SGK trong năm 2021 để trợ giá SGK của năm 2022, hỗ trợ người dân.
Mong muốn của đông đảo người dân là dùng ngân sách nhà nước mua SGK và cung cấp cho hệ thống trường học để tất cả học sinh mượn trong mỗi năm học. Khi đó, SGK sẽ được sử dụng nhiều lần, tránh lãng phí.
Cũng theo ông Lê Trường Tùng, NXBGD nên có giải trình rõ về lời - lỗ khi biên soạn, phát hành các bộ SGK mới cũng như bộ SGK theo chương trình hiện nay để người dân giám sát, đặc biệt là liên quan đến chi phí.
“Nhưng tôi cho rằng, vấn đề giá SGK chỉ là một chuyện, bởi chi phí cho SGK trong chi phí giáo dục không thực sự lớn. Người dân bức xúc là việc phát hành “nhập nhèm” giữa SGK và sách tham khảo trong hệ thống nhà trường, khiến người dân phải mua nhiều loại sách không cần thiết, lãng phí”, ông Lê Trường Tùng nêu quan điểm.
Hiện nay, việc phát hành SGK qua hệ thống nhà trường (kèm theo sách tham khảo) bị phản ứng gay gắt, bởi được cho là “quyền lực vô hình” khiến phụ huynh phải mua. “Nhà trường không nên bán SGK cũng như sách tham khảo. Đó không phải là chức năng của nhà trường. Đồng thời, cần phải ghi rõ đâu là SGK bắt buộc phải mua, đâu là sách tham khảo không bắt buộc phải mua”, ông Lê Trường Tùng nói.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng, nguyên nhân đẩy SGK mới lên 2-4 lần không phải vì chi phí tăng trên từng đầu sách mà là do số lượng đầu sách.
Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần có quy định những sách nào là SGK bắt buộc phải mua, sách nào là sách tham khảo và cho phụ huynh quyền được lựa chọn.
Đối với các trường miền núi, cần phải có ngân sách để đầu tư cho SGK trong các thư viện, giúp học sinh là con các gia đình nghèo và dân tộc thiểu số có thể mượn sách, không phải mua sách.
Việc Quốc hội vừa thông qua nghị quyết kỳ họp, trong đó nêu rõ SGK sẽ được bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật Giá và năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát tối cao về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, bà Hoa hy vọng, vấn đề giá SGK sẽ được làm rõ.