Cần chấm dứt độc quyền công nghệ

Tại phiên Tiếp cận của Hội nghị thượng đỉnh G7 vừa diễn ra ở vùng Apulia, Italy, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã lên tiếng kêu gọi chấm dứt độc quyền trong lĩnh vực công nghệ. Ông khẳng định công nghệ phải được sử dụng một cách sáng tạo, góp phần xây dựng một xã hội hòa nhập, thay vì mang tính phá hoại.

Cần chấm dứt độc quyền công nghệ

Thủ tướng Modi đặc biệt nhấn mạnh vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI). Ông Modi nói: “Chúng ta cần biến công nghệ thành động lực thúc đẩy sự sáng tạo, không phải là nguyên nhân gây bất ổn. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể xây dựng một xã hội hòa nhập. Ấn Độ đang nỗ lực hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn thông qua cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm”.

Ấn Độ là một trong những quốc gia tiên phong trong việc xây dựng chiến lược quốc gia về AI, với mục tiêu “AI cho tất cả”. Ông Modi cho biết: “Dựa trên chiến lược này, chúng tôi đã khởi động Sứ mệnh AI trong năm nay. Chúng tôi đang thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia với tư cách là thành viên sáng lập và chủ tịch chính của quan hệ đối tác toàn cầu về AI”.

Theo các nhà kinh tế, trình thu thập dữ liệu web của OpenAI là động lực mang lại cho các nền tảng Big Tech như Google, Microsoft và Meta - vốn đã kiểm soát các bộ dữ liệu độc quyền khổng lồ - một lợi thế cạnh tranh lớn. Các công ty này có thể sử dụng kho dữ liệu của mình để cung cấp cho AI của họ, trong khi những công ty mới tham gia AI phải đối mặt với những hạn chế.

Các nhà nghiên cứu khuyến nghị nên giám sát chặt chẽ việc chống độc quyền AI, nhất là khi AI tổng quát bắt đầu được sử dụng trong các ứng dụng kinh tế đa dạng hơn giống như dịch vụ điện lực. Vì vậy, sẽ cần có các yêu cầu không phân biệt đối xử để các nhà cung cấp độc quyền tư nhân không thể tùy tiện xác định ai có và không có quyền truy cập vào công nghệ AI.

Nếu không, cái giá phải trả là một số ít nhà cung cấp AI tổng quát kiểm soát một phần đáng kể toàn bộ nền kinh tế. Điều này có thể làm nảy sinh sự bất bình đẳng rõ rệt trong nền kinh tế toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục