Năm 2004, tỷ lệ hộ nghèo của Hậu Giang chỉ còn 5,6%; nhưng năm 2005 đã nhảy vọt lên 23,25% (số dự đoán của Sở LĐTB-XH). Tỷ lệ hộ nghèo tăng thêm gần 18% chủ yếu do thay đổi tiêu chí cách tính hộ nghèo (trước đây 100.000đ nay nâng lên 200.000đ/tháng/người lao động nông thôn). Sở LĐTB-XH tỉnh Hậu Giang xác định mục tiêu xóa đói giảm nghèo (XĐGN): hạn chế và rút ngắn dần mức chệch lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn; giữa hộ khá, giàu và nhóm hộ nghèo... phấn đấu đến năm 2010 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 10%, bình quân mỗi năm phấn đấu giảm từ 2% đến 3% hộ nghèo (theo chuẩn mới).
Trên thực tế, người lao động ở Hậu Giang chủ yếu là lao động nông thôn, họ rất cần việc làm. “Người lao động chỉ cần một buổi ăn trưa, thu nhập 450.000 đồng/tháng là được. Tuy nhiên, hiện nay không phải ở đâu cũng có việc làm. Có một thực tế, ở cơ sở hiện nay rất lúng túng khi xét cho đối tượng nghèo vay vốn. Nếu lỡ một lần vay vốn thất bại, người nghèo gần như bị loại khỏi nhóm đối tượng vay vốn XĐGN. Thậm chí có tổ chức đoàn thể loại họ ra khỏi hội, sau đó tập trung nguồn vốn vay cho hộ làm ăn có hiệu quả - dạng hộ khá!?
Cách làm này vô tình đẩy người nghèo vào chỗ khó khăn thêm vì không vay được vốn XĐGN” - một cán bộ HĐND tỉnh Hậu Giang phản ánh. Hẳn đây không phải chỉ là tình trạng đang diễn ra ở Hậu Giang. Câu chuyện “hỗ trợ cần câu hay cho con cá” lâu nay đã trở nên phổ biến khi đề cập đến XĐGN ở ĐBSCL. Chỉ nâng mức cách tính hộ nghèo nông thôn thêm 100.000đ/người/tháng. Số hộ nghèo ở Hậu Giang đã tăng thêm gần 18% (đây cũng là một thực trạng chung của ĐBSCL).
Vậy, các hộ nghèo tăng thêm này nằm ở diện nào? Bao nhiều phần trăm thuộc diện vừa thoát nghèo (theo tiêu chuẩn cũ) nay tái nghèo (theo tiêu chuẩn mới)? Trong 5 năm tới, liệu chuẩn hộ nghèo có thay đổi, nếu thay đổi các hộ nghèo có tái nghèo theo chuẩn mới nữa!? Có một thực tế ở ĐBSCL, ranh giới “thoát nghèo và tái nghèo” rất mong manh. Chuyện tái nghèo gần như địa phương nào cũng có. Không ít nơi chuyện XĐGN như “đá ném ao bèo”.
“Người Hậu Giang còn nghèo lắm! Hiện nay thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) rất nhiều. Người lao động thiếu tiền thế chấp, kiếm một người biết tiếng Hàn Quốc đỏ con mắt. Nhiều người nói XKLĐ giống như cảnh chợ chiều hoàn toàn đúng” - Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Hậu Giang Trần Thị Mỹ Dung nhìn nhận.
Ai cũng biết trong XĐGN hỗ trợ được “cần câu” yên tâm hơn “cho con cá”! Thế nhưng “cần câu” ở đây là gì: phương tiện hay nghề mưu sinh? Với hàng loạt mặt hàng nông sản, người sống bằng “buôn gánh, bán bưng” cũng đối diện đủ thứ khó khăn, tìm “cần câu” cho người nghèo không đơn giản. Một vấn đề ít được đề cập là khâu tuyên truyền chỉ ra “cái nhược, cái yếu, cái dở, thậm chí cái lười, cái chè chén...” cho người nghèo thấy, chưa được quan tâm đúng mức. Lâu nay, đây là vấn đề được xem là “nhạy cảm”, sợ người nghèo tự ái! “Vấn đề là tuyên truyền khéo để họ nhận thấy cái gốc nghèo mà họ không tự ái. “Kích” ý chí làm giàu của họ là chiếc cần câu “trừu tượng”, nhưng hiệu quả bền vững trong XĐGN rất cao” - đồng chí Huỳnh Phong Tranh, UVTƯ Đảng, Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ gợi ý cho tỉnh Hậu Giang.
Cao Phong