Cận cảnh khu nuôi nhốt sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim

Ngày 15-4, đại diện lãnh đạo Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, chuẩn bị tiếp nhận 6 cá thể sếu đầu đỏ vào cuối tháng 9, các hạng mục hạ tầng thuộc Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ giai đoạn 2022-2032 đã cơ bản hoàn tất.

Phân khu A3 là nơi tiếp nhận 6 cá thể sếu đầu đỏ. Các cá thể sếu đang được cách ly tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn theo quy định về kiểm dịch động vật hoang dã.

SẾU ĐẦU ĐỎ - 6 CON.jpg
6 cá thể sếu được vận chuyển về bằng đường hàng không từ Thái Lan
SẾU ĐẦU ĐỎ.jpg
Tối 10-4, các cá thể sếu được đóng thùng chuyên dụng để vận chuyển về bằng đường hàng không

Ban Giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim đã cải tạo, sửa chữa và bổ sung hạ tầng chuyên biệt tại phân khu này, gồm: chuồng nuôi sếu non, chuồng ghép đôi, chuồng cứu hộ, phòng thuốc, kho dự trữ thức ăn và hệ thống camera giám sát. Riêng phần thức ăn cho sếu sẽ được nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan, định kỳ 3 tháng/lần.

Vuon quoc gia Tram Chim san sang don seu dau do. ANh 1.JPG
Khu vực nuôi sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim nhìn từ trên cao

Khu vực nuôi sếu trưởng thành được bố trí theo hình thức bán hoang dã. Khuôn viên được thiết kế với hệ thống cây xanh, lắp mái che, cải tạo thảm cỏ và lắp đặt hệ thống camera.

Vuon quoc gia Tram Chim san sang don seu dau do. ANh 4.JPG
Chuồng nuôi nhốt sếu bán hoang dã

Hệ thống camera trung tâm sẽ kết nối đến từng chuồng nuôi, cho phép theo dõi liên tục; đồng thời sẽ phân công cán bộ chuyên môn để theo dõi tình trạng sức khỏe của sếu. Ngoài ra, khu nuôi ấp sếu sinh sản đang được xây dựng, hoàn thiện phần nền và kết cấu tường bao.

Vuon quoc gia Tram Chim san sang don seu dau do. Anh 2.JPG
Hệ thống camera được kết nối đến từng chuồng sếu
Vuon quoc gia Tram Chim san sang don seu dau do. ANh 5.JPG
Thuốc chuyên dụng để chăm sóc sức khoẻ cho sếu đầu đỏ
chuyên gia sếu.jpg
Sếu được chăm sóc chuyên biệt tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn

Trước đó, tối 10-4, tỉnh Đồng Tháp đã cử cán bộ chuyên môn đưa 6 cá thể sếu đầu đỏ về bằng đường hàng không. Mỗi con nặng từ 5-6kg, cao khoảng 1,5m. Tuy nhiên, để đảm bảo cho sếu được hồi phục tốt, 6 cá thể này được cách ly tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn.

Việc đưa sếu về Việt Nam thuộc nội dung hợp tác giữa UBND tỉnh Đồng Tháp và Tổ chức Công viên động vật học Thái Lan (ZPOT), Hiệp hội vườn thú Việt Nam (VZA), Hiệp hội Sếu Quốc tế (ICF) và Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn.

Đây là dấu mốc quan trọng đầu tiên trong Chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan về bảo tồn sếu đầu đỏ.

Tin cùng chuyên mục