Chậm giao mặt bằng
Dự án tuyến đường Phước Tân - Bãi Ngà được phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh nội dung thực hiện với quy mô toàn tuyến dài 3,835 km. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2015 - 2024, với tổng mức đầu tư là 532,742 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 9 năm triển khai, đến nay dự án vẫn còn dang dở...
Theo HĐND tỉnh, đây là dự án nhóm B có thời gian thực hiện là 4 năm. Dù được cơ quan có thẩm quyền nhiều lần cho điều chỉnh thời gian thực hiện, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
Ông Lê Xuân Hà, Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng Nhân dân tỉnh Phú Yên, cho rằng việc sớm đưa công trình vào khai thác sử dụng không chỉ đảm bảo giải ngân nguồn vốn năm 2024, mà còn hoàn trả lại đoạn Quốc lộ 29, phục vụ người dân đi lại thuận lợi.
Thống kê của Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên (chủ đầu tư) cho thấy, lũy kế khối lượng xây lắp đến thời điểm hiện tại đạt khoảng 353 tỷ đồng, tương ứng khoảng 84,2% giá trị hợp đồng. Phần còn lại của dự án đang vướng mặt bằng nên phải tạm dừng thi công từ đầu năm 2023. Một trong những nguyên nhân là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn chưa giải quyết dứt điểm.
Cũng theo chủ đầu tư, tổng diện tích mặt bằng đã bàn giao đến nay chỉ đạt khoảng 75,5% diện tích xây dựng dự án (17ha/22,5ha chiều dài khoảng 2,4km/3,835km).
Tương tự, Dự án tuyến đường giao thông từ Cảng Bãi Gốc (Khu kinh tế Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên) kết nối Quốc lộ 1 đi Khu kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo đó, quy mô tuyến đường dài khoảng 7,72km; tổng mức đầu tư là 1.407,2 tỷ đồng; nguồn vốn: Ngân sách trung ương hỗ trợ là 1.200 tỷ đồng, ngân sách tỉnh là 207,2 tỷ đồng; thời gian thực hiện từ năm 2021-2024
Đến nay, các nhà thầu đã thi công cơ bản hoàn thành 3 cầu trên tuyến đường (cầu vượt đường sắt, cầu Hà Tân và cầu Sông Đua), tập kết vật liệu (cát, cấp phối đá dăm, đất, cống bê tông đúc sẵn...); xử lý nền đất yếu các vị trí bàn giao mặt bằng...
Kế hoạch vốn năm 2024, dự án này được bố trí là 572,853 tỷ đồng, gồm: vốn ngân sách trung ương là 427,155 tỷ đồng (kể cả vốn năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài sang năm 2024 là 38,155 tỷ đồng), vốn ngân sách tỉnh là 145,698 tỷ đồng.
Mặc dù nguồn vốn được bố trí rất lớn, nhưng từ đầu năm 2024 đến nay khối lượng thi công mới chỉ đạt khoảng 35 tỷ đồng. Nguyên nhân của việc chậm thi công được xác định là do UBND thị xã Đông Hòa chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.
Khó giải ngân đúng tiến độ
Đối với Dự án tuyến đường Phước Tân - Bãi Ngà, theo một lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên, cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên đã nhiều lần ra văn bản chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng.
Bộ TN-MT cũng đã có hướng dẫn cụ thể tại văn bản số 9266/BTNMT-QHPTTNĐ ngày 31-10-2023. Tuy nhiên, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại thị xã Đông Hòa vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Từ đầu năm 2024 đến nay địa phương chưa giao thêm phần diện tích đã được giải phóng mặt bằng, nên không có khối lượng giải ngân theo kế hoạch vốn năm 2024.
"Nếu chủ đầu tư nhận bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án, chúng tôi sẽ chỉ đạo các nhà thầu thi công tập trung nhân lực, vật tư, máy móc thiết bị, tăng ca... để đẩy nhanh tiến độ thi công và có thể hoàn thành dự án trong vòng 6 tháng", một lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên cho biết
Đối với Dự án tuyến đường giao thông từ Cảng Bãi Gốc (Khu kinh tế Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên) kết nối Quốc lộ 1A đi Khu kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa). Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên, năm 2024 là năm cuối của dự án, nên được bố trí đủ phần vốn ngân sách trung ương hỗ trợ còn lại cho dự án (427,155 tỷ đồng).
Tuy nhiên, do tiến độ dự án chậm (do vướng giải phóng mặt bằng), cộng với yêu cầu kỹ thuật của dự án có 2,4km/7,7km nền đất yếu phải xử lý khoan cọc cát và gia tải chờ lún (thời gian chờ lún từ 12 đến 18 tháng), nên khả năng dự án giải ngân đạt 95% kế hoạch vốn năm 2024 là khó thực hiện.
Để đảm bảo nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương (trước ngày 15-11-2024), Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên sẽ phối hợp các cơ quan chức năng tham mưu UBND tỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian sang năm 2025, phần vốn thuộc kế hoạch 2024 còn lại.
Đối với vốn ngân sách tỉnh, Ban Quản lý Khu Kinh tế Phú Yên sẽ phối hợp Sở KH-ĐT tham mưu cấp thẩm quyền điều chỉnh giảm kế hoạch năm 2024, từ nguồn đất đã bố trí cho dự án (65,447 tỷ đồng).
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên có Thông báo số 179/TB-UBND ngày 18-6-2024 yêu cầu UBND thị xã Đông Hòa và các cơ quan liên quan phối hợp thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Chậm nhất đến hết tháng 8-2024 phải bàn giao toàn bộ diện tích mặt bằng còn lại cho chủ đầu tư dự án.