Cần cân nhắc việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia và đồ uống có đường

Ngày 8-8, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức hội thảo “Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và ngành đồ uống”.

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo và lấy ý kiến rộng rãi với nhiều sửa đổi quan trọng.

Đối với ngành đồ uống, các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ là đối tượng chịu tác động trực tiếp của đề xuất điều chỉnh của luật, với đề xuất tăng thuế suất theo lộ trình tăng liên tục hàng năm đến năm 2030 đối với mặt hàng rượu, bia và bổ sung mặt hàng nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho biết, dư luận rất quan tâm đến đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo 2 phương án mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đối với mặt hàng rượu, bia và mặt hàng nước giải khát có đường.

z5711113590607_5eb41c3da9c23fd7ef115d1badcb2d02.jpg
Hội thảo “Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và ngành đồ uống”, sáng 8-8

Bởi các đề xuất này không chỉ có tác động lớn, trực tiếp tới các doanh nghiệp ngành hàng sản xuất, kinh doanh rượu, bia, nước giải khát, mà còn tác động tới chuỗi ngành hàng liên quan, tới lao động, an sinh xã hội. Bên cạnh đó, mấy năm trở lại đây, ngành đồ uống đã gặp rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19, các cuộc xung đột trên thế giới, các chính sách quản lý hạn chế, đều tác động đến doanh nghiệp.

TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhận xét, lợi nhuận bình quân toàn ngành đồ uống liên tục giảm (năm 2021 giảm 12%, năm 2022 giảm 6%, năm 2023 ước giảm 10-12% so với năm trước).

Do đó, với tác động của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) có thể tăng thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn, nhưng trong trung và dài hạn sẽ làm giảm sức cầu tiêu dùng, giảm doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp, qua đó giảm thu thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy, tổng hòa về việc tăng hay giảm thu thuế là chưa rõ.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) cho rằng, việc điều chỉnh tăng thuế suất các mặt hàng rượu bia trong thời gian tới là cần thiết và phù hợp chủ trương của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, cần hướng đến chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt hài hòa các mục tiêu và phù hợp bối cảnh cụ thể. Cần xem xét phương án giãn thời gian tăng thuế suất có lộ trình để các doanh nghiệp có điều kiện xây dựng phương án, chuyển đổi sản xuất kinh doanh, không bị xáo trộn quá lớn.

Bởi khi có chính sách hợp lý thì sẽ hài hòa hơn các mục tiêu đặt ra của thuế tiêu thụ đặc biệt, tăng thuế không quá đột ngột và có lộ trình để các tổ chức kinh doanh có thời gian chuyển đổi, không ảnh hưởng quá lớn đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ ăn uống, đến thị trường và người lao động trong chuỗi cung ứng liên hoàn này.

Tin cùng chuyên mục