Phát biểu tham luận tại hội thảo, bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng, dự thảo về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vẫn có những điều khoản quy định chưa thực sự phù hợp. Đơn cử, đó là dự thảo quy định về áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường là không rõ ràng, bởi, nước giải khát có đường không phải là nguồn cung cấp đường và calories duy nhất.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều nguyên nhân gây ra thừa cân béo phì cho người dân. Thêm vào đó, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước giải khát có đường không chỉ tác động lớn tới ngành nước giải khát, mà còn tác động tới các ngành công nghiệp phụ trợ như ngành mía đường, bao bì, bán lẻ và hậu cần ở Việt Nam.
Đối với đồ uống có cồn, đại diện của VBA cho biết, năm 2023 ghi nhận sự tụt dốc doanh số của các công ty sản xuất, phân phối mặt hàng đồ uống có cồn, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh rượu bia. Nên việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt vào thời điểm hiện nay sẽ tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp đồ uống, khó có thể phục hồi.
Đồng thời, các thông tin về cơ sở của đề xuất tăng thuế và đánh giá tác động mới chỉ tập trung vào một mục tiêu là tăng giá bán rượu bia lên 10% hoặc 20% và tăng đều các năm, mà không có đánh giá tác động toàn diện như giảm tiêu dùng, mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tác động tới ngân sách, ảnh hưởng tới các doanh nghiệp.
Từ đó, đại diện VBA đề nghị thời điểm có hiệu lực của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) từ năm 2027 (thay vì 2025 như dự kiến). VBA cũng đề xuất Ban soạn thảo xem xét giảm mức tăng thuế và giãn lộ trình tăng một cách hợp lý để tránh gây “sốc”, ổn định thị trường, tạo điều kiện để doanh nghiệp thích nghi.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Phụng, chuyên gia về thuế, Ủy viên Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, cho rằng, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát không giúp đạt mục tiêu tăng ngân sách quốc gia, mà ngược lại gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngành nước giải khát, các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan.
Theo ông Phụng, các DN hiện đang phải gánh chịu cùng lúc rất nhiều loại thuế và chi phí, như thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu, phí tái chế, xử lý chất thải, các loại chi phí để thực hiện các trách nhiệm kiểm kê khí nhà kính, phí đối với khí thải, phí nước thải (đang chuẩn bị bổ sung). Do đó, chuyên gia này khuyến nghị, các cơ quan cần cân nhắc về lộ trình áp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, tránh tạo ra những rủi ro từ “sốc” chính sách khiến các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực.
Đóng góp ý kiến cho dự thảo, đa số ý kiến các chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng cần cân nhắc về lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, để vừa tránh gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời vừa đảm bảo tính minh bạch, công bằng và hợp lý.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2024), dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Theo lộ trình, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ hai về luật này tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2025).