Ở hầu hết các đô thị tại nước ta, để ngăn chặn tình trạng vứt đổ rác và hình thành các bãi rác thải tự phát tràn lan làm mất mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường, chính quyền cho cắm những tấm bảng Cấm đổ rác cùng với mức tiền phạt đối với người vi phạm. Tính hiệu quả của những tấm bảng Cấm đổ rác đến đâu, như thế nào thì chưa bàn tới, điều tôi muốn góp ý là: chính quyền, cơ quan chức năng cần cắm bảng Cấm đốt rác bên cạnh những tấm bảng Cấm đổ rác để ngăn chặn tình trạng người dân đốt rác thải.
Thực tế, trong những năm gần đây, đã có không ít vụ cháy xảy ra tại một số địa phương nước ta, gây thiệt hại về người và của, mà nguyên nhân là do đốt cây cỏ, rác thải. Thói quen gom cây cỏ, lá khô, rác thải vào rồi châm lửa đốt, với ý nghĩ làm cho sạch sẽ, gọn gàng của đại đa số người dân là hết sức nguy hiểm; bởi ngoài việc rất có thể gây cháy lan (nếu không canh chừng đám đốt) vào nhà cửa, khu dân cư, kho bãi, trạm biến áp, đường dây tải điện, cáp viễn thông, làm chết cây xanh…, thì khói bụi gây ô nhiễm môi trường từ những đám đốt rác là có thật. Chưa kể việc đốt cây cỏ, rác thải ở ven đường có thể gây tai nạn giao thông, vì khói bụi rất dễ làm giảm tầm quan sát của người tham gia giao thông, dẫn đến các phương tiện va quệt, đâm nhau.
Từ thực trạng trên, để ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm môi trường và cháy lan từ những đám đốt rác thải cây cỏ, rất mong cơ quan chức năng, chính quyền tại các đô thị cần bổ sung quy định Cấm đốt rác ghép chung vào những tấm bảng Cấm đổ rác. Ngoài ra, cần làm tốt công tác tuyên truyền để người dân sống có trách nhiệm và ý thức với cộng đồng, môi trường… Điều quan trọng là các cơ quan chức năng có trách nhiệm giám sát, kiểm tra và chế tài xử phạt thích đáng, đủ sức răn đe.