Cần bước nhảy vọt về cắt giảm khí thải

Gần 95% các quốc gia đã không nộp cam kết mục tiêu cắt giảm khí thải đến năm 2035 lên Liên hợp quốc (LHQ) đúng hạn vào ngày 10-2. LHQ đã đồng ý gia hạn đến tháng 9 để các nước hoàn chỉnh mục tiêu của mình.

Chỉ có 13 trong số 194 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU) tham gia Thỏa thuận khí hậu Paris đã công bố các kế hoạch cắt giảm khí thải mới, được gọi là “đóng góp do quốc gia xác định” (NDC) trước thời hạn 10-2. Trong đó, chỉ 2 trong số 7 quốc gia nhóm (G7) là Mỹ và Anh đưa ra các kế hoạch khí hậu mới. Tuy nhiên, Mỹ nộp NDC trước lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump và giờ đã rút khỏi Thỏa thuận Paris.

M10A.jpg
Trận lũ kinh hoàng tại Tây Ban Nha tháng 11-2024, được cho là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Ảnh: Getty Images

Theo phân tích của trang web Carbon Brief chuyên về khoa học và khí hậu của Anh, các quốc gia trễ hạn nộp mục tiêu cắt giảm khí thải chiếm 83% lượng khí thải toàn cầu và gần 80% GDP kinh tế thế giới. Nhiều quốc gia phát thải lớn nhất thế giới đã viện các vấn đề kỹ thuật, áp lực kinh tế và bất ổn chính trị khiến họ không thể đáp ứng được thời hạn của LHQ.

Các quan chức EU cho biết, quá trình phê duyệt luật mới kéo dài khiến khối “về cơ bản là không thể” đáp ứng được thời hạn. Trung Quốc vẫn chưa xác nhận thời điểm công bố NDC. Còn các quan chức Ấn Độ giấu tên cho rằng, “không vội” công bố NDC của quốc gia này và có thể sẽ đệ trình vào “nửa cuối năm nay”. Canada, Nhật Bản và Indonesia đều đã công bố các phiên bản dự thảo NDC năm 2035 nhưng vẫn chưa đệ trình lên LHQ.

Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của LHQ (COP30) tại Brazil vào tháng 11 tới được coi là thời điểm quan trọng để các quốc gia tăng cường nỗ lực hướng tới mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Trong bài phát biểu ngày 6-2, Giám đốc khí hậu của LHQ Simon Stiell cho biết, “phần lớn các quốc gia đã nói sẽ nộp kế hoạch mới trong năm nay”. Ông nói thêm rằng, các quốc gia cần nộp NDC “chậm nhất vào tháng 9” để được đưa vào đánh giá tổng hợp toàn cầu tiếp theo của LHQ về hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trước thềm COP30.

Trở lại năm 2015, hầu như mọi quốc gia trên Trái đất đều thông qua Thỏa thuận Paris, một thỏa thuận khí hậu mang tính bước ngoặt nhằm mục đích duy trì nhiệt độ thấp hơn 2oC so với mức trước thời kỳ công nghiệp, với tham vọng duy trì ở mức tăng 1,5oC vào cuối thế kỷ này. Theo một phần của thỏa thuận, các quốc gia tham gia nộp kế hoạch mới mô tả những gì họ sẽ làm để cắt giảm khí thải và thích ứng với biến đổi khí hậu cứ sau mỗi 5 năm. Sau đó, các quốc gia sẽ nỗ lực cho phù hợp. Các bước này là chìa khóa để đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris.

LHQ hy vọng các nước tham gia Thỏa thuận Paris tùy theo mục tiêu từng giai đoạn để có bước đi phù hợp, nhưng yêu cầu chung là mỗi lần cam kết mục tiêu phải cao hơn lần trước. Theo báo cáo mới nhất của LHQ, các quốc gia vẫn chưa đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris, với các cam kết khí hậu năm 2035 cần phải đạt được “bước nhảy vọt về tham vọng” để thế giới có cơ hội hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5oC.

Tin cùng chuyên mục