Cán bộ và sự thực hành chữ “dám”

Nói về động lực thúc đẩy tinh thần năng nổ của đội ngũ trong thực hiện các nhiệm vụ, tại phiên họp kinh tế - xã hội TPHCM mới đây, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã thẳng thắn cho rằng, cán bộ không chỉ làm đúng mà còn phải năng động, sáng tạo để giải quyết công việc hiệu quả hơn trong bối cảnh khối lượng công việc của thành phố rất lớn.

Sở dĩ đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh điều này vì không hài lòng khi đọc một số báo cáo của các đơn vị. Các báo cáo thể hiện rất bài bản, đúng quy định, nguyên tắc, đúng quy trình nhưng không mang lại kết quả tích cực cho công việc, cho cuộc sống vì thiếu đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trước yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn phát triển TPHCM trong tình hình mới.

Từ sự trăn trở của người đứng đầu Đảng bộ thành phố lại nhớ đến nhắc nhở đau đáu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm

Sửa đổi lối làm việc. Trong đó Người nêu lên một tư tưởng quan trọng về cách tổ chức và cách làm việc, đó là phải sẵn sàng đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm: “Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích của quần chúng, vì cần cho quần chúng. Vì vậy, cách tổ chức và cách làm việc nào không hợp với quần chúng thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại. Cách nào hợp với quần chúng, quần chúng cần, thì dù chưa có sẵn, ta phải đề nghị lên cấp trên mà đặt ra. Nếu cần làm thì cứ đặt ra, rồi báo cáo sau, miễn là được việc”.

Bác đã chỉ rõ yêu cầu cần có của người cán bộ: chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm, tôn trọng nhân dân, luôn xuất phát từ ý nguyện và lợi quyền của dân chúng mà hành động. Người cũng phê bình cán bộ “chỉ biết khư khư giữ nếp cũ. Cái không hợp cũng không dám sửa bỏ, cái cần thiết cũng không dám đặt mới...”.

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII nêu rõ: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển đất nước; khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”. Và sau đó, ngày 22-9-2021, Bộ Chính trị có Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Kết luận nêu rõ cần đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá.

Rõ ràng, văn kiện Đại hội XIII và Kết luận số 14-KL/TW là sự kế thừa, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành chữ “dám” và sự cần thiết phải có được một đội ngũ cán bộ sáng tạo, dám hành động, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám làm việc vì lợi ích của nhân dân trong tình hình hiện nay.

Trở lại với TPHCM, năm 2024 thành phố quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội. Đây chính là 2 trong 3 thành tố mà chủ đề năm của Đảng bộ TPHCM đề ra: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội”. Trong bối cảnh TPHCM đang đối diện với nhiều thách thức, phức tạp và yêu cầu, đòi hỏi của chính thành phố cũng như của đất nước với thành phố, việc nâng cao hiệu quả công việc và thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo trong đội ngũ cán bộ công chức trở nên cấp bách và quan trọng hơn bao giờ hết.

Đổi mới, sáng tạo, năng động - theo yêu cầu của người đứng đầu Đảng bộ TPHCM, là phẩm chất cần thiết để cán bộ tìm tòi cách xuyên qua mọi khó khăn để đạt được mục đích và kết quả công việc cao nhất, nhất là những việc mà yêu cầu thực tiễn đòi hỏi nhưng chưa có quy định hoặc quy định không còn phù hợp.

Với chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo vì lợi ích chung, không chỉ góp phần khơi nguồn sáng tạo cho đội ngũ cán bộ trong mọi mặt công tác và cuộc sống mà còn được coi như tấm khiên, lá chắn để bảo vệ, giúp họ phát huy sở trường, tài năng và ý chí quyết đoán của mình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao trước những khó khăn, thử thách của thực tiễn.

Và, để có được những cán bộ “dám” thật sự, vai trò của tổ chức đảng, của người đứng đầu là quyết định!

Tin cùng chuyên mục