Cần bổ sung cơ chế giám sát thực hiện quy hoạch sử dụng đất

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý về tình trạng đất thoái hóa, mất đất do tác động của sạt lở, biến đổi khí hậu, vấn đề tài chính đất đai và cơ chế giám sát thực hiện quy hoạch.
Quang cảnh buổi tọa đàm
Quang cảnh buổi tọa đàm

Ngày 8-9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức tọa đàm lấy ý kiến về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025).

Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 đến nay đã hết hiệu lực và Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch sử dụng đất giai đoạn tiếp theo. Ủy ban Kinh tế được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra nội dung này.

“Mặc dù hiện nay hồ sơ Quy hoạch sử dụng đất mới ở giai đoạn dự thảo, song với tinh thần chuẩn bị từ sớm từ xa các nội dung trình Quốc hội như chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Kinh tế chủ động tổ chức tọa đàm để có thêm ý kiến chuyên gia, có thêm thông tin, có căn cứ khoa học, chính trị, pháp lý, thực tiễn cho việc thẩm tra và trình Quốc hội xem xét, quyết định phê duyệt”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết.

Vẫn theo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, theo chương trình giám sát năm 2022, Quốc hội sẽ giám sát tối cao về công tác quy hoạch từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực, để từ đó có đánh giá tình hình, chỉ ra những kết quả và những tồn tại để có định hướng, giải pháp khắc phục, giải quyết những vấn đề phát sinh, đẩy nhanh tiến độ chất lượng quy hoạch giai đoạn tới. Trước đó, năm 2019 Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, sử dụng đất đai đô thị.

Đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch sử dụng đất 2011-2020, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế khẳng định, việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất đã góp phần tăng cường quản lý đất đai, khai thác nguồn thu từ đất đóng vai trò quan trọng vào ngân sách nhà nước, công tác phân bổ quản lý sử dụng đất bước đầu đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an ninh lương thực, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, chất lượng quy hoạch sử dụng đất chưa cao; đánh giá dự báo chưa sát thực tiễn và chưa bảo đảm khả năng cân đối nguồn lực thực hiện. Kết nối liên thông vùng, địa phương, tỉnh còn hạn chế; việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng còn hạn chế; công tác quản lý thực hiện một số nơi còn chưa nghiêm; đánh giá kết quả thực hiện chưa toàn diện, nguồn lực bố trí chưa đầy đủ, kịp thời; ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế.

Cần bổ sung cơ chế giám sát thực hiện quy hoạch sử dụng đất ảnh 1 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại tọa đàm

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý về một số tồn tại trong quá trình lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và cho rằng cần có đánh giá cụ thể hơn. Ông nói: “Trong quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần quan tâm đến kinh nghiệm quốc tế trong quản lý đất đai, yếu tố lịch sử, đặc điểm đất đai từng vùng để có định hướng phù hợp, lưu ý các yêu cầu trong quản lý sử dụng đất, tình trạng đất thoái hóa, mất đất do tác động của sạt lở, biến đổi khí hậu, vấn đề tài chính đất đai, bổ sung cơ chế giám sát thực hiện quy hoạch”.

Theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, sau khi được Chính phủ trình hồ sơ chính thức của dự án, Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan để thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 10-2021 và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2.

Tin cùng chuyên mục