Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.
Số vụ vi phạm trật tự xây dựng giảm 37%
Báo cáo về 3 tháng thực hiện Chỉ thị 23, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Lê Hòa Bình cho biết, tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TPHCM có chuyển biến tích cực. Số công trình vi phạm trật tự xây dựng sau khi triển khai Chỉ thị 23 là 804 công trình (sai phép 309 công trình, không phép là 495 công trình), bình quân 5,4 vụ/ngày, giảm 3,1 vụ/ngày (gần 37%) so với bình quân số vụ vi phạm trong 6 tháng đầu năm 2019 (8,5 vụ/ngày).
Qua đó cho thấy, Chỉ thị số 23 - CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự xây dựng của người dân, kéo giảm tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP.
Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện dứt điểm các quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn chậm; không áp dụng được các biện pháp ngưng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng; chưa xử lý dứt điểm các công trình vi phạm còn tồn đọng trước đây…
Một trong những nguyên nhân khiến người dân vi phạm trật tự xây dựng là người dân có nhu cầu xây dựng nhưng vướng quy định, thủ tục. Ở khu vực ngoại thành, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho hay, người dân muốn chuyển mục đích sử dụng đất, song trước khi chuyển thì phải đăng ký chuyển mục đích đất. Tuy nhiên, việc đăng ký mỗi năm chỉ được làm một lần, lúc triển khai thì có khi người dân chưa có nhu cầu. Đến lúc người dân có nhu cầu xây nhà, đi chuyển mục đích đất thì mới hay trước đó mình chưa đăng ký, nên không chuyển mục đích đất trong năm được, dẫn tới bức xúc, vi phạm trật tự xây dựng.
Thực tế, nhu cầu cần diện tích ở của người dân là rất lớn, trong khi theo quy định, nhà ở dưới 15m2 thuộc diện không cấp phép xây dựng, do đó người dân có diện tích nhà thuộc nhóm này tìm mọi cách để xây dựng không phép, sai phép.
“Nếu không giải quyết thì người dân vẫn ở, không xây không sửa thì điều kiện sinh sống của người dân rất khó khăn. Vì vậy cần có cách làm để giải quyết căn cơ nhất”, ông Trần Hoàng Quân đề nghị.
Xử nghiêm bất kỳ ai tiếp tay cho vi phạm trật tự xây dựng
Đánh giá chung về tình hình vi phạm trật tự xây dựng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhìn nhận, những hành vi vi phạm trật tự xây dựng có nhiều lý do, nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân xuất phát từ người trực tiếp xây dựng, xin phép rồi nhưng vẫn xây dựng sai. Có sai phạm có lỗi cố ý của nhà đầu tư, ăn xổi ở thì, chụp giật, không vì quyền lợi của người thụ hưởng sau này, mà vì lợi ích trước mắt của mình; một số nhà đầu tư gian dối, đã bất chấp pháp luật, sống trên pháp luật, sống ngoài pháp luật, cơ quan nhà nước đã thực hiện các biện pháp xử lý vi phạm hành chính, cưỡng chế, nhưng vẫn không chấp hành.
"Nhưng có những sai phạm của người dân cũng có phần lỗi của chúng ta - của cơ quan quản lý nhà nước, của chính sách, của quy hoạch, của quản lý và thực hiện quy hoạch, của cải cách hành chính, của thủ tục rườm rà…", Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan thẳng thắn.
Vì thế, để cải thiện, theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, với công chức, cần phải tạo thuận lợi cho người dân thuận tiện làm các thủ tục hành chính. TPHCM kiên quyết lập lại trật tự xây dựng không phải vì lợi ích của cá nhân ai, mà vì lợi ích của người dân, vì sự phát triển của toàn TP mang tính bền vững, ổn định nên công chức nào vi phạm, TP đều xử lý nghiêm.
Đồng thời, về phía người dân - nhất là nhà đầu tư - phải tự tôn pháp luật, “muốn sống bền lâu, mốn sống khỏe ở TPHCM phải có sản phẩm tốt phục vụ người dân”.
Nếu không, TP sẽ sử lý nghiêm, bằng biện pháp hành chính, biện pháp kinh tế, kể cả biện pháp hình sự. Các hình thức như không cung cấp điện nước, cưỡng chế tài khoản, cấm xuất cảnh... đều nhắm vào bất kể ai, từ nhà đầu tư, tư vấn, giám sát, thi công, nhà thầu, bất kỳ ai tiếp tay cho vi phạm trật tự xây dựng.
Trong khi các quận, huyện kiến nghị ngưng cấp điện đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng, đại diễn Tổng Công ty Điện lực TPHCM nêu hàng loạt khó khăn để thực hiện được kiến nghị này. Không chấp nhận cứ viện dẫn khó khăn rồi “bó tay” không làm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, TP sẽ kiến nghị Bộ Công thương sớm bổ sung các điều khoản để ứng xử cho đúng với các trường hợp mang tính phổ biến.
Đồng thời, TPHCM cũng chủ động với những trường hợp xây dựng không phép, sai phép trên đất không có giấy tờ rõ ràng, không đúng quy hoạch thì phải áp dụng biện pháp xử lý hành chính kết hợp với biện pháp cưỡng chế kèm theo.
Phó Chủ tịch TPHCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh, các trường hợp phải cắt điện gồm: các cá nhân cho câu nhờ điện, tổ chức thuê dịch vụ cung cấp điện để thực hiện hành vi vi phạm trật tự xây dựng. Những tổ chức, cá nhân liên quan đến hành vi vi phạm như đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu đầu tư đều phải xử lý, tước giấy phép; xử lý bằng được các đầu nậu và tổ chức làm sai.
“Phải kiên quyết xử lý bởi đây là hành vi ảnh hưởng đến xã hội, tạo tâm lý lây lan, xem thường pháp luật. Ngành điện nêu khó khăn như vậy là đúng nhưng chỉ đúng một phần, trong khi có nhiều trường hợp tiếp tay cho vi phạm mà chưa được phát hiện”, Phó Chủ tịch UBND Võ Văn Hoan khẳng định.
Với các vi phạm trật tự xây dựng xảy ra từ trước khi có Chỉ thị 23, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan yêu cầu Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM và Sở Xây dựng phối hợp hệ thống lại, căn cứ vào từng thời điểm, từng hành vi vi phạm, từng tác động lớn hay nhỏ để đưa ra tiêu chí cụ thể, có hướng tháo gỡ, hướng dẫn các chủ đầu tư tuân thủ pháp luật. Nguyên tắc: TPHCM không hợp thức hóa sai phạm nhưng cũng không để người dân rơi vào cảnh khó khăn.
Trong công tác phối hợp kiểm tra, xử lý các vi phạm trật tự xây dựng, đồng chí Võ Văn Hoan yêu cầu các lực lượng phải phối hợp, trong đó trách nhiệm của quận – huyện, phường – xã là trách nhiệm lớn nhất. Khi kiểm tra một công trình thì phải kiểm tra tổng thể pháp lý của dự án, về quy hoạch, đất đai, đầu tư, xây dựng… chứ không chỉ đơn thuần kiểm tra có giấy phép xây dựng hay không.
Công trình lớn, nhỏ ở trên địa bàn nào có dấu hiệu không ổn thì địa phương đó phải kiểm tra, “không để tình trạng của ai nấy lo - cán bộ địa phương đi ngang qua công trình, biết sai mà… kệ, vì công trình do thành phố cấp phép”. Tất cả hành vi vi phạm cần đưa lên hệ thống website, báo chí, công bố công khai sai phạm và biện pháp ngăn chặn của TP để người dân biết và giám sát.
Nhu cầu người dân ở rất đông trong khi phân bổ diện tích đất từ đất nông nghiệp sang đất ở không theo kịp tốc độ tăng dân số, nên Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan yêu cầu quận, huyện phải chủ động rà soát lại quy hoạch, nhu cầu sử dụng đất, tốc độ tăng dân số từ đó đề xuất điều chỉnh để phân bổ phù hợp đất nông nghiệp phục vụ cho đất ở. Trong việc đăng ký kế hoạch sử dụng đất hàng năm, các địa phương phải “báo với dân, nói cho dân nghe, hướng dẫn dân làm”.
Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc và Sở Tài nguyên – Môi trường phải phối hợp xây dựng tích hợp phần mềm chung gồm 3 lớp dữ liệu để người dân truy cập vào là kiểm tra ngay được đất của mình là loại đất gì, quy hoạch thế nào, được xây dựng gì và thủ tục ra sao?
Sở KH-CN TPHCM, xây dựng đề án ứng dụng công nghệ để kiểm soát quá trình xây dựng trên địa bàn TPHCM. Trong đó, xem xét công cụ giống như flycam, quét từ trên không và cập nhật thường xuyên các thay đổi tức thì về môi trường ô nhiễm, doanh nghiệp xả thải, xây dựng trái phép… “Quản lý không phải cứ tối ngày đi xuống đường mà cần quản lý bằng hệ thống”, đồng chí Võ Văn Hoan yêu cầu.
Cán bộ phải đồng cảm với bức xúc của người dân để gỡ vướng về xây dựng
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu, cán bộ phải đồng cảm với bức xúc của người dân để gỡ vướng mắc về xây dựng
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao UBND TPHCM, cấp ủy và chính quyền các cấp đã vào cuộc quyết liệt triển khai Chỉ thị 23.
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, các địa phương đều xác định việc này không thể chậm hơn nữa, bởi nếu chậm thì hậu quả ngày càng lớn hơn, trật tự xây dựng ngày càng kém đi. Đây cũng là vấn đề các địa phương và cả thành phố phải trả lời thẳng thắn liệu có quản lý được hay không?
“Toàn TP, nếu tính hết tháng 11-2019 thì giảm 46% (từ tháng 6 đến tháng 11-2019), đây là kết quả rất đáng trân trọng, nếu không có sự quyết liệt của UBND TP, các sở, ngành và các quận, huyện thì chắc chắn kết quả sẽ tăng chứ không giảm cao như hiện nay”, Bí thư Thành ủy TPHCM bày tỏ; đồng thời yêu cầu 4 quận, huyện để tình trạng vi phạm trật tự xây dựng như cũ hoặc tăng, thì cần phải có thảo luận sâu hơn.
Bí thư Thành ủy TPHCM cũng chỉ rõ, tổng số sai phạm trên địa bàn TPHCM từ đầu năm đến nay đã phát hiện 2.354 trường hợp (tính từ tháng 1 đến hết tháng 10 -2019) thì có 9 quận, huyện đã chiếm 70%. Nghĩa là, trung bình mỗi quận, huyện có 100 trường hợp sai phạm trở lên. Đứng đầu là quận Thủ Đức với 311 trường hợp sai phạm; quận 12 là 215 vụ; quận 9 là 257 vụ; quận 2 là 228 vụ; huyện Hóc Môn là 104 vụ.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các quận, huyện trên có phân tích sâu để tìm nguyên nhân.
“Nếu thiếu nhân sự đúng như các địa phương nêu, thì ngoài thanh tra xây dựng TP đưa về để quản lý địa bàn, các địa phương phải hợp đồng thêm cộng tác viên sao cho tương xứng với mức độ sai phạm hoặc diện tích địa bàn”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân gợi mở.
Trong việc lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn TPHCM, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, cán bộ, đảng viên phải là người gương mẫu, chấp hành pháp luật.
Đồng thời, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu cán bộ, đảng viên cũng phải đồng cảm với những bức xúc chính đáng của người dân để tháo gỡ các vướng mắc.
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh đến trách nhiệm của cấp ủy, phải vào cuộc quyết liệt và nguyên tắc là nếu có xảy ra sai phạm nhiều thì cấp ủy phải chịu trách nhiệm cuối cùng. Đồng chí cũng yêu cầu cấp ủy của 4 quận, huyện còn tình trạng tăng vi phạm trật tự xây dựng phải rà soát ngay để năm 2020 không còn tình trạng này.
Bí thư Thành ủy TPHCM cũng yêu cầu phải rà soát, củng cố cơ sở pháp lý của các quyết định trong quản lý trật tự xây dựng; trước 31-12 -2019, sổ tay hướng dẫn xây dựng nhà ở riêng lẻ trên địa bàn TPHCM phải được đưa tới các phường và đưa lên trang tin điện tử để tất cả người dân ở các quận, huyện đều tiếp cận được; từ tháng 1-2020, tất cả các giấy phép xây dựng tại tất cả các công trình xây dựng đều phải công khai trên trang tin điện tử của quận, huyện.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện, hướng dẫn xử lý dứt điểm các sai phạm đã xảy ra từ trước tháng 6-2019; triển khai sớm hướng dẫn xây nhà cho thuê vì đây là vấn đề rất bức xúc trong nhân dân; thực hiện sớm bản đồ 3 lớp thông tin quy hoạch, chức năng sử dụng đất, các công trình cấp phép xây dựng, giúp người dân tiện nắm bắt.
Dịp này, Bí thư Thành ủy TPHCM cũng đề nghị các sở, ngành nghiên cứu mối liên hệ giữa Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc và Sở Tài nguyên - Môi trường và xem xét về sự phối hợp để lực lượng ở phường, xã, quận, huyện của các ngành này phối hợp tốt với nhau.
Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh tới 3 giải pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để chấn chỉnh trật tự xây dựng trên địa bàn, đồng thời đảm bảo nhu cầu nhà ở cho người dân. Theo đó, về giải pháp dài hạn, đồng chí cho rằng phải có đề án nhà ở cho người dân tăng thêm của TP sao cho phù hợp với quy mô 5 năm tăng thêm trên 1 triệu dân.
“Từ trước đến nay TP chưa bao giờ đặt mục tiêu cụ thể như vậy. Lâu nay TP có chỉ tiêu tổng số diện tích xây dựng tăng thêm, diện tích nhà bình quân đầu người tăng thêm. Nhưng, để trả lời câu hỏi với 1 triệu dân tăng thêm thì họ ở đâu, trước đây TP chưa trả lời và nay, TP đang chuẩn bị đề án đó, phấn đấu đến tháng 8-2020 sẽ cơ bản có nội dung cụ thể”, Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết.
Về giải pháp trung hạn, ngắn hạn, đồng chí cho rằng phải coi nhu cầu nhà ở của người dân là rất quan trọng, trong khi chưa làm được giải pháp dài hạn thì phải có hướng ra trước mắt, ví dụ hướng dẫn để người dân hoặc doanh nghiệp xây nhà cho thuê. Đồng thời, công tác quản lý phải đúng luật pháp, cụ thể hóa quy trình quản lý và phải có chế tài đối với người vi phạm pháp luật.
Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh, dù là giải pháp ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn thì phải tuân thủ đúng pháp luật, phải chăm lo cho người dân để TPHCM phát triển, người dân hạnh phúc hơn. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết, TPHCM sẵn sàng tiếp thu ý kiến người dân để hoàn thiện hơn nữa công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP.
* Ông TRẦN VĂN THẠCH, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM: Chuyển mục đích đất trái phép có thể bị phạt 1 tỷ đồng Trong xử lý chuyển mục đích trái phép, Chính phủ mới ban hành Nghị định 91, áp dụng từ năm 2020 với mức phạt mang tính răn đe. Trước đây, khi chuyển mục đích lúa sang mục đích khác mà chuyển sai thì phạt cao nhất là 25 triệu đồng, bây giờ lên tới 50 triệu đồng, hoặc rơi vào khu nội thành thì mức phạt là 250 triệu đồng, thậm chí, có trường hợp có thể bị phạt lên tới 1 tỷ đồng. Thời gian tới, sở sẽ phối hợp sẽ triển khai quy định này. Thời gian tới, sở sẽ tập trung tháo gỡ cho công tác cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở (gọi chung là giấy chứng nhận). Hiện nay, TPHCM đã cấp hơn 1,55 triệu giấy chứng nhận (chiếm 97,5% trong tổng số nhà, đất cần cấp giấy chứng nhận); còn tồn đọng khoảng 15.000 trường hợp, do: chuyển nhượng giấy tay; lấn chiếm, chuyển mục đích trái phép, sai phạm trong xây dựng... Sở sẽ phối hợp phân loại, xử lý. Trong đó, với các dự án sai phép xây dựng, sẽ trình cấp giấy chứng nhận cho trường hợp đúng một phần. Trường hợp xây dựng không đúng giấy phép, không đúng quy hoạch nên không đủ điều kiện nghiệm thu hoàn thành công trình, thì trường hợp nào đã xử lý được thì cấp giấy chứng nhận. Trường hợp bán một căn cho nhiều lần, thì chuyển thanh tra, công an xử lý hình sự… * Bà NGUYỄN THỊ HỒNG HẠNH, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM: Cấm xuất cảnh với trường hợp vi phạm trật tự xây dựng Sở Tư pháp TPHCM sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các vấn đề liên quan đến lập vi bằng; khi kiểm tra và phát hiện các trường hợp có biểu hiện, dấu hiệu liên quan đến chuyển nhượng đất đai thì Sở Tư pháp đều phải xác minh. Đặc biệt, Sở cũng có biện pháp ngăn chặn chuyển nhượng đối với một số công trình vi phạm qua việc công chứng. Hiện Sở đã có văn bản gửi đến Sở Xây dựng đề nghị cung cấp những trường hợp có quyết định cưỡng chế, tháo dỡ những chưa tháo dỡ để công chứng viên lưu ý, ngăn chặn hành vi chuyển nhượng quyền sử dụng đất đai. Sở Tư pháp cũng đề xuất TP có các biện pháp xử lý vi phạm về xây dựng như: tăng cường áp dụng không cho xuất cảnh đối với các cá nhân có vi phạm về hành chính trong trật tự xây dựng nhưng chưa chấp hành – việc này có quy định của pháp luật, có cơ sở thực hiện. Về biện pháp ngưng cung cấp điện – nước đối với cơ sở vi phạm, việc này có thể thực hện được, bởi các đơn vị cung cấp điện, nước phải rà soát lại hợp đồng cung cấp điện nước cho các cá nhân, tổ chức để phát hiện các trường hợp sử dụng điện nước không đúng mục đích, tiếp tay cho các trường hợp xây dựng vi phạm. |