Cán bộ nghĩ đúng, làm trúng phải được bảo vệ - Bài 4: Khuyến khích và bảo vệ cán bộ vì lợi ích chung

Sau đại dịch Covid-19, đất nước ta nói chung, TPHCM nói riêng đang trong giai đoạn đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Những cán bộ dám đổi mới sáng tạo, dám hành động vì lợi ích chung, vì dân, vì nước đang cần hơn bao giờ hết. Việc xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung xuất phát từ đòi hỏi, yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Cán bộ nghĩ đúng, làm trúng rất cần cơ chế bảo vệ. Ảnh: VIỆT DŨNG
Cán bộ nghĩ đúng, làm trúng rất cần cơ chế bảo vệ. Ảnh: VIỆT DŨNG

* Đồng chí NGUYỄN VĂN NÊN Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM: Khơi dậy khát vọng, cống hiến

 TPHCM có khát vọng, tâm huyết, trách nhiệm cao trong quá trình xây dựng và phát triển, những tố chất ấy cần được khuyến khích, vun bồi cho đội ngũ trong thời gian tới. Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ vì lợi ích chung đã góp phần khơi dậy điều này trên tinh thần đổi mới sáng tạo, hết lòng phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân.

Hiện nay TPHCM có rất nhiều đầu việc cấp bách cũng như lâu dài, do đó cần phương pháp triển khai thực hiện gắn với ứng dụng công nghệ thông tin để tối ưu hóa quy trình, tiết kiệm công sức, thời gian; đồng thời tăng cường xây dựng kỷ luật, kỷ cương hành chính và văn hóa công sở. Trong đó, cán bộ muốn đổi mới, sáng tạo thì trước hết phải làm đúng, làm tốt nhiệm vụ được giao. Trong công việc, khi xuất hiện tình huống cần giải quyết, xử lý mà chưa có quy định hoặc quy định không còn phù hợp, cán bộ làm tờ trình lên lãnh đạo, cấp có thẩm quyền. Bí thư Thành ủy TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM và lãnh đạo các sở ngành, địa phương sẽ chịu trách nhiệm theo thẩm quyền để cán bộ yên tâm làm việc.


TPHCM đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực (gọi tắt là Ban Chỉ đạo). Ban Chỉ đạo theo dõi, giám sát việc thực hiện chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; có sáng kiến, sáng tạo trong công việc. Bí thư Thành ủy TPHCM là người đứng đầu Ban Chỉ đạo và cam kết sẽ xem xét thấu đáo từng vấn đề, từng loại sự việc một cách khách quan, công tâm để cán bộ yên tâm làm việc, không hồi hộp sợ sai. Cùng với đó, không để cá nhân, tổ chức nào lợi dụng chủ trương thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực.

* TS NGUYỄN SĨ DŨNG, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Đổi mới tư duy lập pháp

Tình trạng vừa làm vừa sợ sai, sợ vướng vào rủi ro pháp lý một phần vì cơ quan, đơn vị, cán bộ không thể tuân thủ hết các quy định pháp luật chứ chưa hẳn vì cán bộ, đảng viên thiếu tinh thần trách nhiệm. Kết luận 14 của Bộ Chính trị đã mở đường cho một định hướng tư duy mới để thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm. Điều quan trọng nhất là các tư tưởng cơ bản của kết luận phải được cụ thể hóa trong hoạt động lập pháp của nhà nước.

Có 2 vấn đề liên quan đến lập pháp ảnh hưởng rất lớn đến sự đổi mới, sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, trong đó có sự chồng chéo, xung đột của các quy định của pháp luật. Vì vậy, chúng ta cần phải hoàn thiện quy trình lập pháp, mà trước hết là hoàn thiện kỹ thuật soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, nhằm khắc phục sự chồng chéo, sự xung đột giữa các văn bản pháp luật. Cụ thể, tất cả các văn bản quy phạm pháp luật đều phải được soạn thảo bởi một cơ quan có chuyên môn sâu, không nên phân tán ở rất nhiều bộ, ngành. Làm được như vậy không chỉ nâng cao chất lượng các văn bản pháp luật mà còn khắc phục được sự chồng chéo, sự xung đột pháp lý.

Bên cạnh đó, sự lạm dụng điều chỉnh trong hoạt động xây dựng pháp luật cũng “trói chặt chân tay”, gây ảnh hưởng lớn đến sự đổi mới, sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ. Hầu như khi thực hiện bất cứ việc gì cũng phải tuân thủ “1.001” quy định, trong đó nhiều khi quy định cứng nhắc, chồng chéo. Như thế thì làm sao cán bộ, công chức còn có thể dám nghĩ, dám làm! Vì vậy, nếu nói về việc dám nghĩ, dám làm thì cần phải đổi mới tư duy lập pháp. Trước hết là chớ nên lạm dụng điều chỉnh, chớ nên gặp bất cứ vấn đề gì thì cũng nghĩ là phải ban hành pháp luật để xử lý.

* Đại biểu Quốc hội LÊ THANH VÂN: Quy định rõ trách nhiệm của lãnh đạo, quản lý

Nhiều người cho rằng, ranh giới giữa dám nghĩ, dám làm, giữa sự sáng tạo với lợi dụng chủ trương để trục lợi cá nhân hoặc vì lợi ích nhóm rất mong manh. Để bảo vệ cán bộ trước lằn ranh trên, điều cốt lõi là yếu tố con người. Trong đó, lãnh đạo, quản lý phải là người sáng suốt, công tâm, phải hiểu thấu bản chất sự việc cũng như mục đích mà cán bộ cấp dưới dám nghĩ, dám làm hướng đến điều gì. Bởi thực tế, nếu cán bộ dưới quyền một lãnh đạo, quản lý thiếu bản lĩnh thì rất khó “xé rào” để triển khai những điều mới mẻ. Còn lãnh đạo, quản lý thờ ơ, bàng quan, không sâu sát thì cán bộ cũng dễ bước sang ranh giới của sự cám dỗ. Ngoài ra, còn một dạng nữa là lãnh đạo, quản lý cố tình ngăn chặn cán bộ năng động, sáng tạo.

Để cụ thể hóa Kết luận 14, trước hết cần phải luật hóa chủ trương này. Nghĩa là, cần có văn bản pháp lý, trong đó quy định rõ trách nhiệm của lãnh đạo, quản lý và có chế tài rõ ràng đối với những cá nhân cố tình trù úm, ngăn chặn cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm. Quy định cũng phải chứa đựng quy phạm pháp luật, phù hợp với các đạo luật hiện hành và định nghĩa được người dám nghĩ, dám làm là ai, thế nào là “vì lợi ích chung”, động cơ cán bộ đó thực hiện trong sáng hay toan tính điều gì.

Trong khi chờ luật hóa, TPHCM và các địa phương có thể thành lập Ban chỉ đạo hoặc có nghị quyết của HĐND, đề ra chương trình hành động cụ thể trong việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Ban chỉ đạo đó phải gồm những người lãnh đạo công tâm, khách quan, sáng suốt để bảo vệ người dám nghĩ dám làm, trọng cán bộ tài giỏi.

Riêng chương trình hành động phải cụ thể, có thể định lượng được hành vi mà các tổ chức, cá nhân cần làm để thực hiện được Kết luận 14. Việc xác định trách nhiệm của từng cá nhân cũng rất quan trọng, những ai tham gia vào quá trình đánh giá cán bộ phải có trách nhiệm, từ cán bộ tham mưu đến người đứng đầu cơ quan tham mưu về tổ chức nhân sự, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Đi liền với trách nhiệm của mỗi cá nhân thì phải có chế tài cụ thể.

* Đại biểu Quốc hội PHẠM VĂN HÒA: Hoàn thiện hành lang pháp lý, bảo vệ cán bộ

Việc cán bộ thực hiện nhiệm vụ gặp sai sót là khó tránh khỏi, nhưng chúng ta cần xem xét cụ thể đối với sai sót đó. Nếu sai do chủ quan hay có lợi ích nhóm, có tư lợi hoặc tham ô, tham nhũng thì phải kiên quyết xử lý. Còn sai do khách quan, từ việc thí điểm thì phải có cơ chế bảo vệ cán bộ. Khi có cơ chế pháp lý bảo vệ, động viên cụ thể thì mới đảm bảo kích thích cán bộ làm việc năng động, sáng tạo.

Cho nên muốn nêu cao tinh thần trách nhiệm, vực dậy tinh thần cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý cũng phải có bật đèn xanh, mà đặc biệt là quy định về trách nhiệm bảo vệ cán bộ khi cán bộ thực hiện những công việc không mang tính vụ lợi, không tư lợi, toan tính cá nhân. Làm đúng thì khen thưởng động viên, làm sai thì uốn nắn, nhắc nhở.

Do đó, việc cần làm ngay là cụ thể hóa Kết luận 14 bằng quyết định hoặc nghị quyết, chỉ thị của cơ quan hành pháp. Chính phủ có thể ban hành nghị quyết cụ thể hóa Kết luận 14 để có căn cứ về mặt pháp lý, từ đó các tổ chức, cơ quan đơn vị, địa phương tổ chức, triển khai thực hiện. Về lâu dài, chúng ta phải đề xuất Quốc hội ban hành luật để bảo vệ cán bộ được hoàn chỉnh, tốt hơn so với những văn bản khác. Đây là hành lang pháp lý cao nhất để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, cống hiến cho dân, cho nước.



Tin cùng chuyên mục