Cán bộ nghĩ đúng, làm trúng phải được bảo vệ - Bài 1: Vừa làm vừa lo
SGGP
Tình trạng cán bộ ngại khó, ngại tìm cách giải quyết công việc đã và đang xuất hiện ở không ít nơi, do cán bộ vừa làm vừa sợ sai trước các quy định pháp luật còn chồng chéo, thiếu đồng bộ. Hệ quả là khả năng đột phá, sáng tạo của cán bộ không được phát huy, làm chậm trễ thời gian giải quyết hồ sơ, công việc của người dân và gây ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Sợ sai - việc sẽ không xong
Thực tế hiện nay có tình trạng thiếu thuốc men, vật tư, trang thiết bị y tế nhưng các địa phương, bệnh viện không dám đấu thầu mua sắm. Lãnh đạo Bộ Y tế nhìn nhận, một số đơn vị, địa phương, cán bộ sợ trách nhiệm, không dám đấu thầu, mua sắm vì sợ sai, sợ bị xử lý hành chính, thậm chí bị xử lý hình sự. Việc chi hỗ trợ cho F0 trong đợt dịch Covid-19 vừa qua cũng rất chậm. Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung chỉ ra có một phần nguyên nhân từ cán bộ sợ sai, sợ chịu trách nhiệm. Câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công từ bộ, ngành đến địa phương cũng chậm, thậm chí có nơi xin trả lại vốn, có nguyên nhân là do cán bộ sợ sai.
Cán bộ có tâm lý sợ sai, né trách nhiệm thì việc chẳng những không xong mà còn triệt tiêu sự năng động, sáng tạo. Điều này được Chủ tịch UBND quận 8 (TPHCM) Trần Thanh Tùng nhìn nhận qua thực tế ở địa phương, đó là công việc thuộc chức năng, quyền hạn đã có quy định nhưng cán bộ thực hiện vẫn còn sợ sai. Quy định, hướng dẫn rõ ràng, không đòi hỏi sáng tạo gì thêm nhưng cán bộ vẫn loay hoay, đẩy qua đẩy lại xin ý kiến để né trách nhiệm. Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Nguyễn Việt Dũng chia sẻ, cán bộ quản lý hiện nay cũng e ngại, không dám quyết chứ không riêng cán bộ cấp dưới. Tâm lý sợ sai này lan đến cả những chuyên gia, nhà khoa học. “Khi sở chúng tôi mời chuyên gia, nhà khoa học tham gia hội đồng đánh giá, họ từ chối bởi vì có quy định người tham gia đánh giá cũng chịu trách nhiệm nếu sau này xảy ra sai phạm. Mà sau này thì ai biết trước được”, ông Dũng nêu thực trạng.
Tương tự, cấp sở, ngành thời gian qua cũng có tình trạng đẩy qua đẩy lại mà không dám quyết, không nêu chính kiến dù việc đó thuộc thẩm quyền, dẫn đến tình trạng “ngâm” hồ sơ hàng tháng. Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM Huỳnh Văn Hạnh cho rằng, có hồ sơ “ngâm” ở sở khác đến 5 tháng mới chuyển đến Sở Tư pháp TPHCM. Khi đó, ông chỉ còn 6 ngày để xem hồ sơ và báo cáo!
Quyết làm để cứu người
Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, trong lúc thiếu nguồn cung oxy y tế, quận 7 đưa cả bồn oxy lỏng công nghiệp vào lắp đặt hệ thống oxy tập trung cho bệnh viện. Đây là việc làm chưa có quy định. Bí thư Quận ủy quận 7 Võ Khắc Thái nhớ lại, lúc đó cũng có nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc vì việc này sai về quy định và chưa được phê duyệt. Tuy nhiên, nếu đợi ngành y tế phê duyệt thì phải mất vài tháng, thậm chí là cả năm. Thời điểm ấy, cứu người dân là việc cấp bách, làm sớm giờ nào là cứu được nhiều người dân giờ đó nên quận quyết định làm, chấp nhận rủi ro.
Tại buổi làm việc với UBND TPHCM về tình hình kinh tế - xã hội vào tháng 7-2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ, bản thân ông cũng rất sốt ruột vì trong giải quyết công việc, các bộ cứ kéo dài thời gian. Lãnh đạo bộ giao việc cho thứ trưởng, thứ trưởng giao xuống vụ trưởng, rồi việc đó giao tới trưởng phòng, đến tận chuyên viên. Có việc mất mấy tháng mới xong. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải xem công vụ như việc nhà mình và phải xác định cụ thể thời gian hoàn thành, đẩy nhanh công việc, chứ không thể “ầu ơ ví dầu”.
Hết sức làm việc có lợi cho dân
Không phủ nhận việc hàng loạt cán bộ bị kỷ luật, khởi tố, truy tố vì có sai phạm trong điều hành, quản lý làm dấy lên tâm lý sợ sai, làm xong rồi cũng không biết có sai hay không. Từ đó, một bộ phận cán bộ vì “giữ an toàn” nên điều hành công việc chung chung, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm, khi gặp khó khăn thì đẩy lên cấp trên dù những vấn đề đó nằm trong thẩm quyền. Song, vì lý do gì chăng nữa, tâm lý sợ sai, làm việc “an toàn” đã kìm hãm sự đổi mới, sáng tạo cũng như sự phát triển cơ quan, đơn vị, địa phương đó và xa hơn là của xã hội.
Lãnh đạo TPHCM động viên các bác sĩ trẻ được tăng cường về y tế cơ sở năm 2022. Ảnh: VIỆT DŨNG
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Tinh thần ấy đã thể hiện rất rõ trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 vừa qua. Cùng với các địa phương khác trong cả nước có nhiều mô hình, sáng kiến, sáng tạo trong phòng chống dịch, TPHCM là một trong những địa phương đã phát huy rất tốt tinh thần dám nghĩ, dám làm, sáng tạo, đi trước một bước. Trong đó, TPHCM thí điểm thành lập Trung tâm tiếp nhận, hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch Covid-19. Qua đó giúp TPHCM chủ động, kịp thời chăm lo, hỗ trợ các hộ dân, lực lượng tham gia phòng chống dịch tại các khu vực phong tỏa, cách ly… Trong ứng phó với dịch bệnh, duy trì sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội, TPHCM còn thực hiện nhiều mô hình hiệu quả khác, như mô hình thu dung chăm sóc F0 không triệu chứng tại huyện Củ Chi, từ đó giảm tỷ lệ F0 không triệu chứng chuyển thành F0 có triệu chứng. Tại quận 6, quận Phú Nhuận đã đưa thuốc vào điều trị ngay từ sớm cho các F0. TP Thủ Đức cũng có trên 200 mô hình, cách làm mới được triển khai áp dụng, đưa số ca bệnh nặng và tử vong ở TP Thủ Đức xuống mức thấp, góp phần từng bước phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Một mô hình sáng tạo khác mà TPHCM đang triển khai và đánh giá bước đầu có hiệu quả, đó là đưa bác sĩ trẻ về tăng cường cho y tế cơ sở. Người đứng đầu ngành y tế TPHCM chia sẻ, để làm được việc này, thành phố phải vượt qua nhiều ý kiến trái chiều vì pháp luật không quy định về mô hình trên. Do đó phải tham mưu, thuyết phục bằng những luận cứ, luận điểm chắc chắn mới được cấp trên chấp thuận. Tại buổi làm việc của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Ban Chấp hành Đảng bộ và cán bộ chủ chốt của TPHCM vào ngày 23-9, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM Nguyễn Phước Lộc chia sẻ thêm, qua thực hiện mô hình này đã đưa 286 y, bác sĩ trẻ về các trạm y tế phường, xã, thị trấn, giúp củng cố y tế cơ sở. Qua 6 tháng thực hiện cho thấy, bằng kiến thức chuyên môn và thái độ giao tiếp, ứng xử tốt, các bác sĩ trẻ đã chứng minh được năng lực, thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Ông HUỲNH THANH NHÂN, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM:
Cán bộ không ngại đổi mới, sáng tạo
Thực tế tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của cán bộ gặp không ít rào cản. Trong đó, quá trình lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công vụ gặp nhiều vướng mắc, rủi ro pháp lý. Hôm nay cán bộ được đánh giá là gương điển hình nhưng ngày mai có thể bị xem là vi phạm.
Trong thời gian qua, có những vụ việc, vụ án xảy ra đã ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng của cán bộ trong việc tham mưu, thực hiện đúng các quy định pháp luật, chứ chưa nói đến sự sáng tạo. Các quy định pháp luật hiện nay chưa đồng bộ, còn chồng chéo, thiếu thống nhất. Có những vấn đề chưa có quy định hoặc quy định không còn phù hợp với thực tiễn. Lằn ranh đúng - sai rất mong manh đối với những cán bộ năng động không ngại đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung nếu không có cơ chế khuyến khích và bảo vệ họ.
Ông TRẦN QUANG LÂM, Giám đốc Sở GTVT TPHCM:
Cần tạo môi trường làm việc cống hiến, tự hào
Pháp luật được hoàn thiện thông qua thực tiễn để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp. Cùng với đó là những cơ chế cho thí điểm để tháo gỡ, giải quyết những tồn tại, vướng mắc từ thực tiễn. Mặt khác, khi thí điểm thì khó có thể dự liệu được hết rủi ro, nên kết quả thí điểm có thể thành công hoặc không thành công.
Dù vậy, cùng một vụ việc nhưng quan điểm xử lý của từng cơ quan, vào từng thời điểm lại khác nhau. Cán bộ bị đặt trong tình trạng đối mặt với áp lực sợ sai, sợ rủi ro pháp lý. Vì vậy, cán bộ cần có điểm tựa vững chắc để tin tưởng, yên tâm làm việc, đổi mới sáng tạo, hết lòng hết sức phụng sự nhân dân, phụng sự đất nước. Chúng ta rất cần tạo nên một môi trường công vụ làm việc mà trong đó cán bộ, công chức được làm hết mình, cống hiến, tự hào và cảm thấy được trân trọng, hạnh phúc.