Áp lực lớn vẫn phải giảm
* Phóng viên: Nhưng thưa ông, số cắt giảm tương đương với 1/3 số lượng hiện hữu, có phải là động thái mạnh trong thực hiện chủ trương tinh giản biên chế?
* Ông NGUYỄN DUY TÂN: Thực hiện Nghị định 34/2019 của Chính phủ (về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố), TPHCM sẽ giảm 2.299 cán bộ không chuyên trách ở các phường, từ 6.667 người còn 4.368 người.
Thực tế, TPHCM đã thực hiện chủ trương tinh giản biên chế nhiều năm qua. Ngoài ra, TPHCM chuẩn bị trước cho việc sắp xếp lại những người hoạt động không chuyên trách, như việc triển khai Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cho nên, việc cắt giảm này không phải thực hiện đột ngột, cũng không phải TPHCM mới thực hiện chủ trương tinh giản biên chế.
* Vậy số lượng cán bộ ở các phường sẽ được thực hiện ra sao, khi có nơi số dân rất lớn, từ 100.000-125.000 người?
* 322 phường, xã, thị trấn ở TPHCM đều phải giảm cán bộ không chuyên trách. Trong đó, 255 phường (loại 1) giảm từ 22 còn 14 người, 63 phường (loại 2) giảm từ 20 còn 12 người và 4 phường (loại 3) giảm từ 19 còn 10 người. Sở Nội vụ rất chia sẻ với việc cắt giảm sẽ tạo áp lực rất lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước và chất lượng phục vụ nhân dân, doanh nghiệp. TPHCM đã nhiều lần kiến nghị về việc này, Trung ương cho rằng, dân số là một trong những tiêu chí phân loại phường chứ không dựa vào đó mà tăng cán bộ không chuyên trách. Vì vậy, TPHCM sẽ phải thực hiện đúng quy định về số lượng, chức danh người hoạt động không chuyên trách ở các phường.
* Lộ trình cắt giảm sẽ thực hiện ra sao để đồng bộ giữa việc TPHCM sắp xếp 10 phường (trong giai đoạn 2019-2021) với giảm cán bộ không chuyên trách?
* Việc xây dựng chức danh và phân bổ số lượng người hoạt động không chuyên trách ở phường căn cứ vào đặc điểm thực tế của từng địa phương, đảm bảo không vượt quá số lượng được giao, khuyến khích thực hiện kiêm nhiệm chức danh. TPHCM phân cấp cho UBND quận huyện quyết định số lượng, bố trí chức danh người hoạt động không chuyên trách theo loại đơn vị hành chính phường. Các phường sẽ trình Chủ tịch UBND quận có ý kiến bằng văn bản trước khi thực hiện bố trí chức danh.
Thêm 120 tỷ đồng hỗ trợ người dôi dư
* TPHCM giải quyết chế độ đối với gần 2.300 cán bộ cắt giảm này ra sao, thưa ông?
°Khi sắp xếp, TPHCM rất quan tâm đến việc giải quyết chế độ, chính sách đối với 2.300 người cắt giảm để họ ổn định tinh thần và an tâm tìm việc mới. Đặc biệt, trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19, việc tìm kiếm công việc mới là một trăn trở lớn của thành phố. Vì vậy, bên cạnh chế độ trợ cấp thôi việc theo Bộ luật Lao động, TPHCM cũng xin ý kiến và được các bộ ngành Trung ương đồng ý cho phép vận dụng chính sách tinh giản biên chế, hỗ trợ thêm chế độ trợ cấp một lần đối với trường hợp dôi dư.
Theo đó, những trường hợp dôi dư trên được hỗ trợ thêm mỗi năm công tác trợ cấp bằng 1,5 tháng tiền lương theo trình độ chuyên môn tại thời điểm thôi việc. Dự kiến, TPHCM chi trả chế độ trợ cấp cho việc này vào khoảng 120 tỷ đồng. Việc giải quyết chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở phường thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND quận huyện. Dự kiến đầu tháng 8-2020, Sở Nội vụ sẽ trao đổi, hướng dẫn các quận huyện việc triển khai thực hiện.
* TPHCM có tính đến giải pháp tuyển dụng các trường hợp dôi dư, đặc biệt nhiều trong số họ đã được đào tạo bài bản và có năng lực chuyên môn lẫn kinh nghiệm thực tiễn tốt?
* Bên cạnh chế độ, chính sách bổ sung đã nêu, dự kiến TPHCM sẽ thực hiện một số phương án khác như việc UBND quận huyện thi tuyển công chức phường, xã, thị trấn đối với những trường hợp đủ điều kiện. Đồng thời, sát hạch các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng đối với người tốt nghiệp đại học loại giỏi ở trong nước, hoặc loại khá trở lên ở nước ngoài có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với chức danh công chức phường cần tuyển dụng.
Cùng với đó là việc xem xét, bố trí các chức danh phó đoàn thể chính trị - xã hội nếu đủ điều kiện giữ các chức danh này. Ở cấp cơ sở, tùy quy mô và khối lượng công việc để tính toán lại cho phù hợp. Những công việc có tính thời vụ, đột xuất thì có thể ký hợp đồng thêm người, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc: những công tác chuyên môn nghiệp vụ thì không được ký hợp đồng lao động.
Nhìn chung, những người hoạt động không chuyên trách ở các phường tại TPHCM có cường độ làm việc và đảm nhiệm khối lượng công việc không khác biệt so với cán bộ, công chức phường. Nhiều cán bộ dôi dư có trình độ cao, thậm chí là thạc sĩ. Vậy nên, nếu các quận huyện tổ chức thi tuyển công chức phường, thì tôi cho rằng các cán bộ không chuyên trách có nhiều cơ hội trở thành công chức. Tất nhiên, trở thành công chức hay không phụ thuộc nhiều vào năng lực, trình độ, may mắn trong thi cử và sự lựa chọn của mỗi cán bộ không chuyên trách dôi dư.