Hoạt động giao lưu nằm trong chuỗi hoạt động hướng đến kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2024) và 35 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân (22-12-1989 - 22-12-2024).
Theo thầy Phan Hồ Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Công Trứ, trong năm học 2024-2025, nhà trường đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục lý tưởng, niềm tin và hành động cách mạng cho các đảng viên, giáo viên, nhất là thế hệ trẻ nhằm tạo động lực phấn đấu, nỗ lực hoàn thiện bản thân cho đoàn viên, học sinh.
Hoạt động nhằm mục đích giáo dục thanh niên và đổi mới sinh hoạt chi bộ trong triển khai các hoạt động tuyên truyền về truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng của dân tộc, qua đó giáo dục lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng, ý chí tự lực, tự cường và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tham gia hoạt động giao lưu, cán bộ, giáo viên, đoàn viên Trường THPT Nguyễn Công Trứ đã dâng hương tại đài tưởng niệm trong Khuôn viên văn hóa Vùng 2 Hải quân.
Sau đó, đoàn tham quan tàu chiến thuộc lực lượng Vùng 2 Hải quân. Đoàn công tác tiếp tục có buổi giao lưu, tìm hiểu về tình hình Biển Đông thời gian gần đây và kết quả bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc tại Vùng 2 Hải quân.
Đỗ Quốc Anh, học sinh lớp 12B10, Ủy viên Ban chấp hành Đoàn trường THPT Nguyễn Công Trứ, bày tỏ sự xúc động khi được trực tiếp nghe các chiến sĩ Lữ đoàn 167 chia sẻ về các hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
“Đây là lần đầu tiên em được trực tiếp tìm hiểu về các trang thiết bị, khí tài của quân đội nhân dân Việt Nam, qua đó nâng cao kiến thức và trải nghiệm của bản thân, đồng thời ý thức rõ hơn về tình yêu quê hương đất nước, từ đó xác định mục tiêu phấn đấu của bản thân để đóng góp vào sự phát triển đất nước”, Quốc Anh cho hay.
Với Trần Thị Khánh Vy, học sinh lớp 10E20, Trường THPT Nguyễn Công Trứ, việc được giao lưu với các chiến sĩ thuộc Lữ đoàn 167 cho Khánh Vy trải nghiệm rất khác biệt so với việc tiếp thu kiến thức ở trường, lớp.
“Vấn đề chủ quyền biển đảo em đã được các thầy, cô giảng dạy thông qua nhiều hoạt động ở trường. Tuy nhiên, khi được những người chiến sĩ trực tiếp cầm súng, đóng góp xương máu của mình bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc chia sẻ về những việc các anh đã làm giúp em dâng trào cảm xúc biết ơn và tự hào”, Khánh Vy chia sẻ.
Ngoài buổi tham quan, giao lưu với các cán bộ, chiến sĩ thuộc Lữ đoàn 167 Vùng 2 Hải quân, nhằm giúp cán bộ, đoàn viên, học sinh tìm hiểu ý nghĩa Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Trường THPT Nguyễn Công Trứ còn tổ chức triển lãm ảnh với chủ đề “Khát vọng hòa bình của Hồ Chí Minh” do Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TPHCM trưng bày trong khuôn viên trường.
Tháng 10-2023, Trường THPT Nguyễn Công Trứ khánh thành mô hình cột mốc chủ quyền biển đảo Trường Sa. Mô hình tái hiện cột mốc chủ quyền biển đảo theo đúng kích thước thật với các thông tin quy ước trên cột mốc.
Mô hình cột mốc chủ quyền biển đảo Trường Sa được xây dựng trong khuôn viên trường nhằm giáo dục, nhắc nhở giáo viên, học sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ về nghĩa vụ trong việc góp sức bảo vệ an ninh quốc phòng vùng biển đảo.