1. Bác Hồ là một người sống rất chan hòa với mọi người, kể cả khi Người trở thành người đứng đầu Đảng, đứng đầu quốc gia. Chuyện kể rằng, khi Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc còn ở căn cứ Việt Bắc, Bác đến dự lễ bế giảng của trường. Xuống thăm nhà bếp, Bác thấy làm cỗ có vẻ linh đình, Bác nói với đồng chí phụ trách trường: “Này, bế mạc, chứ không phải “bế bụng” đâu nhé! Kháng chiến còn khó khăn lắm các chú ạ”. Đến bữa ăn, thấy mâm cơm chỉ có một bát, một đôi đũa, Bác hỏi: “Thế Bác ăn với ai?”. Đồng chí phụ trách gãi đầu gãi tai: “Dạ, xin để Bác ăn riêng cho tiện”. Bác ngắt lời: “Không tiện gì cả. Thế ra các chú cho Bác ăn trên ngồi trốc à?”. Và Bác yêu cầu bê các món ăn của cán bộ, nhân viên nhà trường lên cho Bác xem, rồi Bác bảo kê thêm bàn ghế cho mọi người cùng ngồi ăn với Bác. Bố trí xong xuôi cả rồi, Bác mới vui vẻ bảo mọi người: “Ngồi cả vào đây ăn chung với Bác, ăn một mình thì Bác ăn sao được?”.
Khi Bác lên nói chuyện với các học viên, đồng chí phụ trách trường giới thiệu: “Bác Hồ sẽ huấn thị cho chúng ta”. Bác cười mà bảo rằng: “Tôi nói chuyện với các đồng chí thôi, chứ có “huấn thị” gì đâu”. Buổi tối, Bác ở lại trường để làm việc. Các đồng chí mang đến cho Bác một chiếc đèn rất sáng. Khoảng 9-10 giờ tối, Bác cầm đèn đó xuống Văn phòng trường và bảo rằng: “Đèn này to, tốn dầu lắm! Bác còn làm việc khuya, một chiếc đèn con thôi cũng đủ. Các đồng chí đổi cho Bác chiếc đèn khác”. Sáng sớm hôm sau, trước khi Bác chia tay trường, đồng chí phụ trách hỏi Bác có điều gì căn dặn thêm về công việc của trường, Người nói: “Tôi chỉ mong các đồng chí đừng quan tâm đến tôi quá mà phải quan tâm đến mọi người hơn” (theo tác giả Nguyễn Văn Khoan, Tấm gương Bác - Ngọc quý của mọi nhà, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2018, tr.25-26).
Câu chuyện trên cho thấy Bác Hồ không chỉ giản dị, tiết kiệm mà thực sự rất chan hòa với mọi người. Bấy giờ, Bác đã là người lãnh đạo cao nhất của đất nước, có những tiêu chuẩn riêng nhưng vẫn thể hiện sự sâu sát, gần gũi với cán bộ cấp dưới, không tự tách biệt mình trong sinh hoạt, trong công tác. Những câu chuyện tương tự như thế về Bác Hồ còn rất nhiều, đều đáng để cho mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta học tập, thực hành mọi lúc, mọi nơi.
2. Hiện nay, có một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thể hiện tinh thần đó của Bác trong công tác, trong sinh hoạt. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã nêu: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”. Hẳn những người đó khó thể hiện được sự chan hòa, thân ái, hòa đồng với cán bộ, đảng viên, nhân viên ngay trong đơn vị hay với người dân ở nơi cư trú.
Biểu hiện thường thấy là một số cán bộ lãnh đạo khi nhận vị trí công tác mới thì cho tu sửa phòng làm việc, đổi xe mới, có khi sử dụng xe vượt quá quy định cho phép; tự duyệt hoặc tác động để được duyệt nhiều khoản thù lao, phụ cấp, công tác phí…, thành ra có thu nhập cao hơn hẳn người lao động trong đơn vị; khi đi công tác với nhiều người thì vẫn thích đi xe riêng, ở phòng khách sạn sang trọng. Khi ăn uống thì thích ngồi mâm riêng của những lãnh đạo; ít quan tâm đến cán bộ, nhân viên cấp thấp; ít tổ chức gặp gỡ với cán bộ, nhân viên, không kịp thời lắng nghe các ý kiến phản ánh từ cấp dưới; xây dựng nhà cửa xa hoa, cách biệt với người dân ở nơi cư trú… Những điều đó có lúc có nơi gây nên sự phản cảm, thậm chí bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Chan hòa theo Từ điển tiếng Việt nghĩa là (một biểu hiện tình cảm, một cách sống) hòa với nhau, không còn thấy sự xa lạ, cách biệt. Đây là đặc điểm hay một đức tính chỉ người nào đó (nhất là người giàu có, sang cả, có quyền thế, có địa vị) sống gần gũi, thân ái, hòa nhã với mọi người xung quanh, với cấp dưới, với người nghèo…, mà không có sự xa cách.
Để phát huy việc học Bác về tính chan hòa, gần gũi, cũng như để việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng có chiều sâu, bên cạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng hơn nữa những câu chuyện cụ thể của Bác Hồ, cần có những quy định cụ thể về tính nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo. Từng cơ quan, đơn vị, từng tổ chức đảng cần có quy chế chặt chẽ, trong đó phải hạn chế các đặc quyền, đặc lợi dành cho cán bộ lãnh đạo, từ chế độ đi lại, làm việc… cho đến thù lao, thu nhập. Mỗi cơ quan nên định kỳ tổ chức gặp gỡ với cán bộ, nhân viên, như tổ chức các cuộc đối thoại, các sinh hoạt nhân Ngày Gia đình Việt Nam, ngày lễ, tết, ngày truyền thống ngành… để mọi người có thể có khoảng thời gian chan hòa bên nhau, chia sẻ và thấu hiểu nhau hơn, nhất là tạo cơ hội cho những nhân viên cấp thấp có dịp gặp gỡ lãnh đạo.
Ngoài ra, cần có biện pháp giám sát chặt chẽ hơn nữa đối với quá trình sinh sống ở nơi cư trú của cán bộ, đảng viên, để tránh việc cán bộ không tham gia họp hành tổ dân phố, không ủng hộ các hoạt động cộng đồng, không gương mẫu chấp hành các chủ trương chung, không hòa đồng với lối xóm… Những điều đó nên được ghi rõ vào bản nhận xét đảng viên cuối năm của tổ chức đảng ở nơi cư trú.