Ồ ạt nghỉ việc
Gần 12 năm gắn bó với nghề dạy học, chị Trần Thị Nga (giáo viên tiểu học của một trường ở huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) đã quyết định viết đơn xin nghỉ việc sau khi gia đình có đứa con thứ hai. “Từng ấy năm làm giáo viên mà đồng lương mỗi tháng của tôi chỉ được hơn 5 triệu đồng, quả thực không đủ lo cho cuộc sống gia đình khi giá cả ngày càng leo thang. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi đành buông viên phấn để ra ngoài cùng chồng buôn bán”. Giống như cô giáo Nga, sau thời gian mệt mỏi, căng thẳng cùng người dân chống dịch Covid-19, chị L.T.T. (bác sĩ của một bệnh viện công lập ở TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) đã quyết định xin nghỉ việc để chuyển sang bệnh viện tư nhân có mức lương cao hơn. “Công việc thì nhiều, trách nhiệm lại cao, nhưng đồng lương không tương xứng với công sức mình bỏ ra nên tôi muốn tìm cho mình một cơ hội, môi trường tốt hơn”, chị T. thổ lộ.
Từng là một chuyên viên của Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, anh T.H. (ngụ xã Phong Nẫm, TP Phan Thiết) cũng rời vị trí công việc mà nhiều người hằng ao ước để ra ngoài mở công ty thiết kế xây dựng. “Đồng lương ít ỏi, trách nhiệm công việc rất lớn, nhiều khi không cẩn trọng rất dễ xảy ra sai phạm. Thôi thì ra ngoài làm tự do hơn, cơ hội phát triển nhiều hơn”, anh H. thẳng thắn chia sẻ.
Theo thống kê của Sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận, từ đầu năm 2020 đến tháng 6-2022, toàn tỉnh có 487 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc theo nguyện vọng, chiếm tỷ lệ 0,84% số lượng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Đặc biệt, từ ngày 1-1-2022 đến đầu tháng 5-2023, địa phương tiếp tục ghi nhận thêm 215 cán bộ, công chức, viên chức ồ ạt xin nghỉ việc. Trong đó, công chức thôi việc chiếm tỷ lệ 2,06% tổng số công chức của tỉnh, viên chức thôi việc chiếm tỷ lệ 1,18% tổng số viên chức của tỉnh.
Như vậy, chỉ trong vòng hơn 3 năm qua, toàn tỉnh đã có tới 702 công chức, viên chức xin nghỉ việc. Số lượng người xin nghỉ việc tập trung chủ yếu ở ngành giáo dục (426 trường hợp), y tế (186 trường hợp), còn lại là ở các cơ quan hành chính trong tỉnh.
Cán bộ, viên chức ngành y tế tỉnh Bình Thuận tổ chức tiêm vaccine trong đợt dịch Covid-19 |
Tâm lý lo sợ trách nhiệm
Ông Đỗ Thái Dương, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận, cho biết, tình trạng nhiều giáo viên xin nghỉ việc đang khiến ngành giáo dục địa phương bị thiếu hụt nguồn nhân lực rất lớn, đặc biệt là ở bậc mầm non và tiểu học. Hiện tại, toàn tỉnh đang thiếu hơn 400 giáo viên bậc tiểu học, khoảng 300 giáo viên bậc mầm non. Trong khi đó, hiện nay, do chế độ đãi ngộ ở các bậc học này không thực sự thu hút người đi học, từ đó nguồn giáo viên cho các trường không có.
Ông Phan Đoàn Thái, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận, chia sẻ: “Chế độ đãi ngộ về chính sách cho thầy cô mầm non, tiểu học hiện rất thấp. Theo quy định, giáo viên bậc mầm non làm việc 8 giờ/ngày, nhưng đa phần họ làm 10-11 giờ. 6 giờ sáng đã có mặt tại trường, nhiều khi đến 5-6 giờ chiều vẫn chưa được về vì có nhiều học sinh phụ huynh bận việc chưa kịp đón con. Trong khi đó, lương các cô mầm non mới ra trường chỉ 4-5 triệu đồng nên họ cảm thấy không xứng với công sức bỏ ra, dù rất yêu nghề”.
Trong khi đó, số người nghỉ việc trong lĩnh vực y tế đang tạo ra sức ép về nguồn nhân lực cho địa phương. “Nhiều trường hợp cán bộ, nhân viên ngành y tế được nhà nước cho đi đào tạo về phục vụ địa phương, nhưng sau đó họ chấp nhận bồi thường rồi rời đi. Hệ quả là kế hoạch bố trí nguồn nhân lực bị hổng, gây khó khăn trong hoạt động khám chữa bệnh cho người dân”, ông Đỗ Thái Dương cho biết.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế tỉnh Bình Thuận Đặng Thức Anh Vũ cũng thừa nhận, tình trạng cán bộ, nhân viên y tế của các bệnh viện công lập nghỉ việc nhiều là do thu nhập và môi trường làm việc chưa hấp dẫn.
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận Đỗ Thái Dương cho rằng, bên cạnh những nguyên nhân chính khiến nhiều cán bộ, công chức, viên chức địa phương xin nghỉ việc (như do chế độ tiền lương còn thấp, chưa đảm bảo được đời sống cơ bản của cá nhân và gia đình; do quá tải công việc vì biên chế liên tục bị cắt giảm) thì hiện một số quy định pháp luật vẫn còn chưa chi tiết, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn, dẫn đến cán bộ, công chức, viên chức đối mặt với rủi ro khi thực thi công vụ. Đã có trường hợp mắc sai phạm, bị kỷ luật, tạo nên tâm lý bất an, e ngại mắc sai lầm và sợ bị xử lý trách nhiệm.
Trước những khó khăn nêu trên, Sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận đã báo cáo UBND tỉnh đề xuất trung ương cần có chính sách để cải thiện tiền lương, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt, cần có chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức làm chuyên môn về y tế. Cùng với đó, đề xuất trung ương có các giải pháp hoàn thiện các quy định của pháp luật, tạo môi trường, hành lang pháp lý an toàn, đầy đủ để các lực lượng nói trên yên tâm thực hiện chức trách công vụ theo quy định.