Sáng 3-10, Đại biểu (ĐB) Phan Nguyễn Như Khuê, Phó Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM đã chủ trì buổi góp ý về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi.
Theo đánh giá của Chính phủ, sau 10 năm thi hành Luật PCTN năm 2005, công tác phòng chống tham nhũng đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu. Số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít. Một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm. Kết quả thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp. Điều này gây ra tâm lý bức xúc và hoài nghi trong xã hội về quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.
Vì vậy, việc xây dựng Luật PCTN sửa đổi nhằm tiếp tục thực hiện các chủ trương của Đảng về phòng, chống tham nhũng; đồng thời việc sửa đổi, bổ sung Luật PCTN hiện hành cũng để đồng bộ với các đạo luật khác (như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự…) và nâng cao mức độ tuân thủ Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng.
Nhiệm vụ của Luật PCTN sửa đổi lần này còn tạo ra cơ chế phòng ngừa toàn diện và sâu rộng, qua đó góp phần xây dựng một cơ chế quản lý nhà nước, quản lý xã hội công khai, minh bạch, “không thể tham nhũng”. Đồng thời tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng.
Cụ thể, dự án Luật PCTN sửa đổi lần này đã sửa đổi, bổ sung nhiều điều khoản quan trọng, trong đó có mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với cả khu vực ngoài nhà nước. Một trong những điều khoản mới của dự luật là ràng buộc trách nhiệm của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong PCTN thông qua việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng trong tổ chức và hoạt động.
Mặc khác, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế còn phải có trách nhiệm thông tin, phản ánh, tố cáo hành vi nhũng nhiễu, đòi hối lộ và hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời phối hợp với cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn, phát hiện và xử lý các hành vi đó.
Dự án luật sửa đổi cũng bổ sung quy định về việc bắt buộc phải thanh toán qua tài khoản ngân hàng đối với một số trường hợp nhất định.
Theo đó, dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi đang được lấy ý kiến quy định một điều khoản mới, buộc người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thanh toán qua ngân hàng mọi khoản chi có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên, trừ những nơi hạ tầng chưa đáp ứng (do Ngân hàng Nhà nước công bố hàng năm).
Đặc biệt, dự án luật lần này cũng yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện chi trả thông qua tài khoản các khoản tiền lương, tiền thưởng và các khoản chi khác cho người giữ chức danh quản lý.
Phó Chánh Thanh tra TPHCM Trần Đình Trữ, nhận xét quy định bắt buộc thanh toán qua tài khoản như trên là rất cần thiết trong công tác PCTN.
“Để khuyến khích và đảm bảo việc thanh toán qua tài khoản các khoản chi có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên của người có chức vụ, quyền hạn thì trong thời gian đầu nên miễn giảm phí chuyển khoản. Ngoài ra cần miễn giảm lệ phí trước bạ cho việc chuyển khoản thanh toán tiền mua nhà, đất, xe…”, ông Trữ kiến nghị.
Phát biểu kết luận buổi góp ý, Đại biểu Quốc hội Phan Nguyễn Như Khuê, khẳng định việc sửa đổi Luật PCTN lần này là thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng.
“Trong quá trình dự thảo, một số khái niệm cũng được soát xét, đối chiếu với các quy định khác để khi luật được ban hành thì đảm bảo đẩy lùi “giặc nội xâm”. Nếu không, cứ để tham nhũng có điều kiện phát sinh thì lòng dân không yên. Tôi cũng cho rằng, các hiện tượng vòi vĩnh, tham nhũng vặt nếu không kịp thời được phát hiện, ngăn chặn và xử lý sẽ hình thành thói quen. Đến một lúc nào đó, đủ điều kiện thì tất yếu sẽ dẫn đến tham nhũng lớn. Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM sẽ ghi nhận tất cả các ý kiến góp ý và chuyển tải đến ban soạn thảo dự án Luật PCTN để cập nhât, bổ sung rồi trình Quốc hội”, ĐB Phan Nguyễn Như Khuê nói.
Chỉ kỷ luật cán bộ nhũng nhiễu là không đủ răn đe
Dự án luật lần này bổ sung hành vi “nhũng nhiễu vì vụ lợi”. Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Tùng, đại diện Viện KSND cấp cao tại TPHCM, cho rằng hình thức xử lý đối với hành vi này chỉ là “xử lý kỷ luật” là không đủ sức răn đe, dễ gây bức xúc trong xã hội.
“Trên các cơ quan truyền thông thường hay phản ánh các cán bộ có chức sắc quyền lực ở vùng sâu, vùng xa thường có hành vi nhũng nhiễu. 1 lần có thể chỉ 10.000 đồng nhưng nhiều lần thì lên đến 1 triệu đồng. Tương tự, ở một số nơi trên địa bàn TPHCM có tình trạng người buôn bán trên vỉa hè, lề đường với thu nhập không bao nhiêu nhưng phải đóng “hụi chết”. Đây là hành vi tham nhũng vặt, gây nhiều bức xúc cho xã hội. Nếu chỉ dừng ở mức xử lý kỷ luật thì sẽ không trị được tham nhũng. Đề nghị Quốc hội nghiên cứu sâu trả lời nhũng nhiễu là gì và không thể dừng ở mức xử lý kỷ luật đối với hành vi này”, ông Nguyễn Ngọc Tùng nhấn mạnh.