Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về một số vấn đề về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã trình Bộ Chính trị đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã từ nay đến 2021.
Bộ Chính trị đã xem xét và ban hành Nghị quyết 37, đề ra nhiều vấn đề quan trọng về quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nguyên tắc, lộ trình triển khai đến năm 2021, các nhiệm vụ và giải pháp để triển khai sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Việc ban hành Nghị quyết 37 nhằm kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho các địa phương.
Cũng trong hội thảo sáng nay, nhiều lãnh đạo địa phương cũng bày tỏ một số vướng mắc, khó khăn khi thực hiện xây dựng kế hoạch và điều kiện thực tế các địa phương gặp phải trong quá trình thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy.
Ông Nguyễn Ngọc Định, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng, mong muốn sớm có Nghị quyết để có căn cứ, cơ sở pháp lý sáp nhập. Cao Bằng có 199 xã phường, thị trấn, trong đó không đủ cả 2 tiêu chuẩn diện tích và dân số, trong đó có 75 đơn vị hành chính cấp xã; Có 3/11 đơn vị hành chính cấp huyện không đủ cả 2 tiêu chuẩn trên.
Nhất trí dự thảo, nhưng ông Nguyễn Ngọc Định đề nghị việc quy định sau 5 năm phải sắp xếp lại biên chế và chức danh theo đúng quy định sẽ khó khăn cho địa phương, vì số lượng cán bộ công chức cấp xã dôi dư sau khi sắp xếp là rất lớn.
Theo thống kê báo cáo mà ông Nguyễn Ngọc Định đưa ra, tính đến thời điểm hiện nay, Cao Bằng có 1.540 cán bộ, công chức cấp xã, sau sắp xếp giảm 41 đơn vị cấp xã, dôi dư khoảng 840 người. Trong số này dự kiến nghỉ hưu đúng tuổi có 163 người.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình Bùi Duy Phương nêu thực trạng, toàn tỉnh có 5 huyện chưa đạt 50% 1 trong 2 tiêu chuẩn (dân số và diện tích tự nhiên); trong đó có 1 huyện chưa đạt 50% cả 2 tiêu chuẩn.
Với cấp xã, Hòa Bình có 31 xã, thị trấn chưa đạt 50% tiêu chuẩn diện tích và dân số. Trong thực tế, tỉnh đã xây dựng xong đề án và báo cáo Bộ Nội vụ xem xét. Trong đề án, tỉnh dự kiến sáp nhập, điều chỉnh địa giới huyện Kỳ Sơn vào TP Hòa Bình. Sau khi thực hiện, Hòa Bình còn 10 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 1 thành phố và 9 huyện.
Ông Bùi Duy Phương đề cập đến quy định đảm bảo mức hỗ trợ cho cán bộ công chức, người lao động hưởng phụ cấp do HĐND các cấp hỗ trợ thêm và có nghị quyết.
Theo đó, Nghị quyết nên quy định khung thống nhất theo vùng tương đồng về kinh tế xã hội để địa phương dễ làm. Nếu giao cho địa phương quy định thì những nơi có điều kiện ngân sách cao hơn chắc chắn sẽ hỗ trợ cao hơn, khiến cán bộ, công chức phải nghỉ những nơi không có điều kiện, điều này gây nên tâm tư, suy nghĩ.
“Bước chuyển tiếp số lượng cấp phó sau sắp xếp theo lộ trình 5 năm. Trong thực hiện có thể vướng ở chỗ lựa chọn cấp trưởng như thế nào khi họ đều cán bộ trẻ có năng lực, ví như 2 chủ tịch đều trẻ, đều có năng lực thì chọn ai là rất khó khăn, cần có hướng dẫn cho thuận lợi” ông Trịnh Kiến Duy đề nghị.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, nguyên tắc khi sắp xếp thực hiện theo quy định hiện hành, nhưng để đảm bảo ổn định đề án có ghi các chức danh lãnh đạo, đội ngũ cán bộ bằng tổng số sáp nhập lại, trong 5 năm phải đưa về đúng quy định.
Ông Trần Anh Tuấn cũng gợi ý câu hỏi, việc điều chuyển những lãnh đạo dôi dư đi những nơi có yêu cầu thì có nên không? “Trong đề án đảm bảo thực hiện theo chủ trương của Đảng và có thời hạn đảm bảo để ổn định. Nếu không theo thời gian 5 năm và giải quyết chế độ chính sách luôn khi sắp xếp thì đấy cũng là giải pháp. Nếu tỉnh nào mạnh dạn sắp xếp cán bộ đúng luôn với quy định hiện hành thì chúng tôi khuyến khích, chỉ sợ các tỉnh không làm được. Nếu làm luôn thì quá là tốt” ông Tuấn cho hay.