Cụ thể, ông Nguyễn Chí Việt, Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Thái Bình (quận 1), không đến cơ quan làm việc gần 1 tháng qua. Trả lời báo chí về vấn đề này, đại diện Quận ủy quận 1 cho biết, theo báo cáo của UBND phường Nguyễn Thái Bình thì ông Việt xin phép nghỉ 2 ngày 3 và 4-7 để giải quyết việc gia đình, nhưng sau đó đã bặt tăm. Dư luận có nhiều đồn đại xung quanh chuyện ông Việt đột ngột biến mất: do nợ nần chồng chất, vay tiền xã hội đen rồi bị đòi nợ kiểu giang hồ nên bỏ trốn...
Vấn đề dư luận quan tâm không chỉ dừng lại ở chuyện tin đồn có đúng hay không, nếu đúng thì ông Việt nợ nần ai, bao nhiêu, vì sao mắc nợ… Điều gây chú ý là: Khi một lãnh đạo phường đã mất tích gần cả tháng nhưng cấp quản lý vị cán bộ này, cụ thể là Quận ủy và UBND quận 1, vẫn lờ mờ chưa rõ nguyên nhân và chỉ ngồi chờ phường báo cáo.
Trong khi đó, theo Sở Nội vụ TPHCM, các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP do cấp quận, huyện quản lý. Do vậy, UBND quận 1 chịu trách nhiệm công tác quản lý cán bộ ở phường Nguyễn Thái Bình, trong đó có việc bầu, miễn nhiệm/bãi nhiệm hay xử lý kỷ luật đối với hành vi tự ý bỏ việc.
Vụ phó chủ tịch UBND phường Nguyễn Thái Bình “mất liên lạc” gần cả tháng đã đặt ra nhiều vấn đề trong công tác đề bạt, bổ nhiệm và quản lý cán bộ tại cơ sở hiện nay. Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu, ông Việt được bổ nhiệm chức danh phó chủ tịch UBND phường từ hơn 2 năm qua.
Như vậy, trong quá trình công tác trước đó, chắc rằng vị này luôn được đánh giá tốt, vì phải đánh giá tốt thì mới được đề bạt, bổ nhiệm làm lãnh đạo phường. Tuy nhiên, công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những thay đổi trong sinh hoạt, cuộc sống, những biểu hiện bất thường của cán bộ ở cấp cơ sở chưa sâu sát, kịp thời.
Bằng chứng ở đây, theo một nguồn tin đáng tin cậy, ông Việt đã bán nhà từ tháng 10-2016, sau đó thì thuê lại ở và cán bộ này không chỉ ra đi một mình mà còn mang theo vợ con. Điều này cho thấy đã có một sự chuẩn bị kỹ trước khi ông này “mất liên lạc”...
Dư luận đang rất bất bình trước thực tế, một số cán bộ cấp cao có vấn đề, khi chuẩn bị được điều tra liên quan đến sai phạm hoặc đang điều tra thì lại mất tích, thường là trốn ra nước ngoài. Đã đến lúc công tác quản lý cán bộ, trong đó có cán bộ chủ chốt cấp cơ sở, cần được quan tâm đúng mức và có trách nhiệm, không thể cứ để lặp lại tình trạng cán bộ khi có vấn đề lại dễ dàng “bốc hơi”.