Tại Việt Nam cũng như trên thế giới, tỷ lệ mắc của VKVN khoảng 0,3-1% dân số và tần suất mắc mới của bệnh từ 3,4-8 trường hợp trên 100.000 người. Trong số những người bị vảy nến, khoảng 6-42% tiến triển sang VKVN. Bệnh có thể khởi phát ở bất kỳ độ tuổi nào nhưng thường xảy ra ở người 30-50 tuổi. Hầu hết người bệnh VKVN thường khởi phát khoảng 10-12 năm sau khi có tổn thương da.
Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể diễn tiến nặng dẫn đến tổn hại chức năng của các khớp, biến dạng khớp, tàn phế, làm giảm chức năng hoạt động hàng ngày và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, bệnh có thể làm nặng hơn các bệnh lý kèm theo (nếu có) như tăng huyết áp, đái tháo đường, thiếu máu cơ tim, béo phì, viêm ruột… dẫn đến nhiều biến chứng làm tăng tỉ lệ tử vong. Tiến triển của bệnh còn tác động lên tâm lý của người bệnh gây lo âu, trầm cảm.
Hiện chưa xác định nguyên nhân dẫn đến bệnh VKVN. Bệnh cần điều trị song song tổn thương da và khớp. Cần kết hợp các biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc như hướng dẫn người bệnh, vật lý trị liệu phục hồi vận động hoặc ngoại khoa để chỉnh sửa, thay khớp ở giai đoạn muộn. Tùy vào tình trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng các biện pháp điều trị phù hợp.
Để đạt hiệu quả trong điều trị bệnh VKVN, người bệnh cần tuân thủ điều trị, thường xuyên tái khám để bác sĩ theo dõi, đánh giá và điều chỉnh thuốc phù hợp. Người bệnh không nên bỏ điều trị và tự ý điều trị các thuốc không được bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo. Bên cạnh đó, người bệnh nên duy trì chế độ dinh dưỡng và luyện tập hợp lý. Người bệnh VKVN nên ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi. Các thực phẩm này giúp giảm viêm, duy trì cân nặng hợp lý, tránh thừa cân làm tăng áp lực lên khớp. Nên giảm đường và chất béo, vì các chất này làm tăng quá trình viêm, thay vào đó nên thực hiện chế độ ăn có chất béo lành mạnh như cá, hạt.