Báo động cây quý hiếm đang bị đốn hạ

Cần bảo tồn cây xanh đô thị

Cần bảo tồn cây xanh đô thị

Quyết định số 199/QĐ-UB ngày 18-8-2004 của UBND TPHCM về việc quản lý cây xanh trên địa bàn TP có Điều 25 quy định rõ: cơ quan chức năng phải đề xuất danh sách cây bảo tồn để UBND TP phê duyệt và ban hành.

Cần bảo tồn cây xanh đô thị ảnh 1

Mới đây, Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (Sở Giao thông Công chính TP) tổ chức hội thảo về bảo tồn cây xanh đô thị với sự tham gia của nhiều nhà khoa học. Từ các ý kiến đóng góp tại buổi hội thảo này, UBND TPHCM đã có văn bản giữ lại hai cây sến mũ (Shorea cochinchinensis) tại đường Đồng Khởi, mặc dù đã có giấy phép đốn hạ.

Hiện nay, trước sự phát triển mới với nhu cầu cải tạo đô thị tại TPHCM, nếu không sớm ban hành danh sách cây bảo tồn trên địa bàn TP, liệu một số cây quý hiếm sẽ ra sao?

Dự án khai thác một số bãi xe ngầm tại các công viên TP chắc chắn ảnh hưởng đến một số cây quý hiếm, tuổi thọ cao, có giá trị lịch sử… rất cần được bảo tồn, như cây da (ficus elastica), ngàn chày (Polyalthia ovalifolia) trên công viên Bách Tùng Diệp, dáng hương (Pterocarpus indicus) trên công viên Chi Lăng và rất nhiều cây quý trên công viên Lê Văn Tám như kèn hồng (Tabebuia rosea).

Riêng Thảo Cầm viên, công viên 30-4, hội trường Thống Nhất, vườn Tao Đàn... rất cần được bảo tồn, vì đây là trục quy hoạch dải phân cách xanh duy nhất của TP và trong trục này có rất nhiều cây quý hiếm bảo tồn mang tính nội vi (insitu) và ngoại vi (exsitu).

Một số cây quý trên đường phố, cần có cơ chế chăm sóc đặc biệt vì là tiêu biểu cho thực vật bản địa của miền Đông Nam bộ như dầu con rái (Dipterocarpus alatus), sao đen (Hopea odorata) trên nhiều tuyến đường, sến mũ trên đường Nguyễn Du, chiêu liêu (Terminalia tomentosa) tại đường Phan Đăng Lưu. Ngoài ra, còn có một số cây rất có ý nghĩa bảo tồn đang tồn tại ở trong khuôn viên các cơ quan như cây trắc (Dalbergia cochinchinensis), long não (Cinnamomum camphora) ở trong khuôn viên Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm hoặc dáng hương trong khuôn viên Ngân hàng ACB, vên vên (Anisoptera cochinchinensis) ở Thủ Đức, sấu bắc (Dracontomelum mangiferum) trong khuôn viên Trường Nguyễn Thị Minh Khai.

Đã có nhiều cây quý hiếm ở TPHCM biến mất tự lúc nào không ai biết. Đến nay không còn nữa như cây mai mù u (Ochrocarpus siamensis) ở quận 6, xoay lông (Dialium cochinchinensis) trên đường Huỳnh Văn Bánh, mật cật (Licuala spinosa) ở công viên Bách Tùng Diệp, cây đoát (Arenga pinnata) trong khuôn viên Nhà Bảo tàng Quân đội…

Đề nghị các cơ quan chức năng ở TP cần quan tâm và sớm ban hành danh sách các loại cây cần bảo tồn để bảo vệ các loài cây quý hiếm trong lòng TP. Bởi lẽ những loại cây này từng là của khu rừng xưa kia còn sót lại hoặc các cây đã trồng và di thực lâu năm trên địa bàn TP anh hùng mang tên Bác kính yêu!

Kỹ sư  Nguyễn Công Nghiệp

Tin cùng chuyên mục