Cân bằng trào lưu nhập tịch và đào tạo cầu thủ

Làn sóng nhập tịch cầu thủ đang lớn dần ở làng cầu Đông Nam Á và trên thực tế đã tạo ra các thay đổi về tương quan trình độ giữa các quốc gia trong khu vực.

Gần nhất, đội tuyển bóng đá Malaysia - đối thủ của đội tuyển Việt Nam tại vòng loại Asian Cup 2027 vào tháng 3 tới, vừa có thêm 3 cầu thủ nhập tịch, đều là những người đang chơi bóng ở đẳng cấp cao nhất tại Hà Lan, nơi họ có quốc tịch gốc. Điều này có nghĩa Malaysia có thể tung ra sân toàn bộ đội hình chỉ gồm những cầu thủ nhập tịch đang chơi bóng ở nước ngoài. Thống kê cho biết hiện đội tuyển Malaysia có đến 17 tuyển thủ là cầu thủ nhập tịch, dự kiến có thêm 3-4 người nữa trong thời gian tới.

Những đội bóng bị đánh giá là yếu như Philippines và Campuchia đều có những tiến bộ đáng kể về thành tích. Indonesia có cơ hội để dự World Cup khi đang chơi tốt ở vòng loại thứ 3. Malaysia với đội hình 14 cầu thủ nhập tịch lần đầu tiên giành quyền dự Asian Cup 2023.

Với bóng đá Việt Nam, chúng ta cũng nhận thấy rất rõ tác động của trào lưu này qua trường hợp Nguyễn Xuân Son, người có đóng góp lớn vào chức vô địch ASEAN Cup 2024 vừa qua. Cũng chính từ thành công của đội tuyển Việt Nam mà các đối thủ trong khu vực càng có quyết tâm hơn để đẩy nhanh xu hướng này. Dù lợi ích trước mắt dễ thấy, qua những kết quả gần đây của các đội bóng Đông Nam Á, nhưng không ai bảo đảm việc nhập tịch cầu thủ sẽ thật sự thay đổi chất lượng và đẳng cấp của nền bóng đá một cách lâu dài và bền vững. Trong khi đó, đã xuất hiện những hệ lụy, khi việc nhập tịch càng tạo ra các kết quả tốt, sẽ càng phụ thuộc vào xu hướng này, dẫn đến hủy hoại quá trình phát triển của bóng đá nội địa khi số lượng tuyển thủ quốc gia đa phần là “ngoại binh”.

Thách thức cho bóng đá Việt Nam hiện nay đặt ra trong bối cảnh không thể bỏ qua xu hướng này nhưng cũng không thể đẩy nhanh việc nhập tịch do nhiều lý do khách quan (nguồn cầu thủ) đến chủ quan (bảo hộ bóng đá trong nước). Điều tiên quyết là nên có ngay kế hoạch ứng phó với trào lưu này, bởi thực tế là ngay tại vòng loại Asian Cup tới đây, trong khi đội tuyển Việt Nam không thể có Nguyễn Xuân Son do chấn thương, Malaysia lại đang mạnh hơn khi có thêm cầu thủ nhập tịch trong cuộc cạnh tranh cho suất duy nhất dự vòng chung kết Asian Cup.

Có thể nói, mô hình gần nhất để bóng đá Việt Nam nghiên cứu không đâu khác, chính là bóng đá Thái Lan, với một chiến lược dài hạn tạo được sự cân bằng giữa việc chọn lọc cầu thủ để nhập tịch, kêu gọi Việt kiều về khoác áo quê hương. Chưa kể, chúng ta phải tạo được sự cân bằng giữa chính sách ấy với quá trình phát triển bóng đá nội địa nhằm tạo cơ hội cho các tài năng trẻ được cạnh tranh sòng phẳng.

Bên cạnh việc tiếp tục công cuộc bồi đắp nội lực với việc thúc đẩy chất lượng thi đấu của V-League, đề cao ý thức trách nhiệm của các CLB với tương lai thông qua hoạt động đầu tư bóng đá trẻ, bóng đá Việt Nam cũng đã có mô hình khá phù hợp để tham khảo khi hơn 10 năm trước, Học viện HA.GL từng liên kết với CLB Arsenal để đào tạo, cũng như tạo cơ hội cho các tài năng sang Anh để du học, nâng cao trình độ. Đây là hướng đi cũng được một vài CLB khác thực hiện, khi liên kết với các đội bóng tại Nhật Bản. Chỉ tiếc là cách làm này chưa được hệ thống thành chiến lược, hoặc được thúc đẩy bởi các chính sách vĩ mô.

Tin cùng chuyên mục