Thứ nhất, là vai trò nhà thầu độc lập ký kết hợp đồng dầu khí, thực hiện quyền và nghĩa vụ như các nhà thầu khác. Thứ hai, là thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ, được hưởng quyền hạn và cơ chế xử lý chi phí đặc thù nhưng đồng thời phải thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định.
Theo vị ĐBQH này, từ một khía cạnh nhất định, việc phải đảm nhận cả 2 vai trò khiến PVN (và các công ty con của tập đoàn này) trong một số trường hợp phải chịu thiệt thòi.
Với vai trò là nhà đầu tư, PVN ngoài việc tuân thủ theo Luật Dầu khí còn chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13)... Đối chiếu với các quy định pháp luật nêu trên, dù làm gì đi nữa, thẩm quyền của PVN chỉ giới hạn ở mức 2.300 tỷ đồng. Quá mức này phải báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định.
Thế nhưng, trên thực tế, dự án dầu khí thường là các dự án thăm dò, khai thác, chế biến với chi phí lớn nên hầu hết thẩm quyền phê duyệt đầu tư/điều chỉnh đầu tư dự án thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Thủ tướng Chính phủ.
Trong khi đó, tại thời điểm phê duyệt, rất khó để dự báo chính xác tuyệt đối mọi vấn đề từ trữ lượng, số lượng giếng khai thác, các thiết bị xử lý đi kèm, tổng mức đầu tư… của các dự án dầu khí, vì vậy trong quá trình triển khai, 1 dự án thường phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần. Những vướng mắc nêu trên trong quy trình thủ tục đầu tư làm mất nhiều thời gian, chi phí của nhà đầu tư, thậm chí đôi khi còn làm mất cơ hội.
Trong khi đó, mô hình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hiện vẫn đang được nghiên cứu hoàn thiện. Luật số 69/2014/QH13 chưa quy định cụ thể về vị trí, vai trò, thẩm quyền, trách nhiệm Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và luật này cũng đang được nghiên cứu để sửa đổi toàn diện.
Có thể thấy, để doanh nghiệp nhẹ gánh và có thể đi xa hơn, nhanh hơn thì việc sửa đổi Luật Dầu khí mới là điều kiện cần. Và tất nhiên, còn rất nhiều việc phải làm.