Theo truyền thông Canada, từ đầu năm nay, Google đã đưa ra lời kêu gọi công khai tới các hãng tin tức muốn nhận tiền bồi thường theo Đạo luật Tin tức trực tuyến, và khoảng 1.500 cơ quan báo chí Canada đã đăng ký nhận tiền mặt.
Brazil, Indonesia, Nam Phi, New Zealand và Mỹ… cũng đang xem xét các luật tương tự để lấy doanh thu từ Google - vốn đang chủ động trả tiền cho các nhà xuất bản trên khắp thế giới để tránh phải bồi thường theo luật nước sở tại. Trên khắp thế giới, các nhà xuất bản tin tức cũng đang nghiên cứu về số tiền Google và Meta nợ vì đã xuất bản tin tức trực tuyến từ nguồn tin của họ. Các nhà xuất bản Thụy Sĩ cho biết, Google nợ trong lĩnh vực này 166 triệu USD mỗi năm. Cho dù các quy tắc thương lượng có thống nhất trên toàn thế giới hay không thì chúng cũng đã bắt đầu có tác dụng thúc đẩy các Bigtech thanh toán cho các cơ quan báo chí, ngay cả trước khi có luật được thông qua. Google tại Nam Phi từ chối bình luận, nhưng ông Marianne Erasmus, trưởng nhóm đối tác tin tức của Google tại Nam Phi, cho biết, trong 20 năm qua, Google đã hợp tác chặt chẽ với các nhà xuất bản tin tức để hỗ trợ việc tạo ra các tin tức, chất lượng báo chí trong thời đại kỹ thuật số.
Dấn sâu một bước nữa, các Bigtech đang cạnh tranh trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) đã ký kết thỏa thuận với các nhà xuất bản tin tức và cơ quan truyền thông để có nhiều quyền truy cập hơn vào nội dung, sử dụng làm dữ liệu đào tạo mô hình AI. Theo Business Insider, News Corp. đã ký thỏa thuận với Google; Financial Times, Associated Press, Politico cũng như một số ấn phẩm ở châu Âu… đã ký hợp đồng với OpenAI. Meta cũng đang xem xét các thỏa thuận trả phí mới với các nhà xuất bản tin tức để truy cập vào dữ liệu đào tạo AI. Mục đích là để làm cho các công cụ AI tổng quát của các Bigtech hiệu quả hơn cho người dùng, cũng như cạnh tranh hơn trong thị trường ngày càng đông đúc các công cụ tìm kiếm AI tổng quát và chatbot.