Số liệu thống kê tháng 8 cho thấy, sức ép lạm phát đã giảm phần nào. Nhưng, nỗi lo lắng giá cả tăng cao vẫn luôn còn đó. Tăng trưởng sẽ không còn nhiều ý nghĩa nếu giá các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu không được kiểm soát.
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện, dự kiến dự thảo sửa đổi Luật Giá sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 tới đây và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2023).
Trong rất nhiều góp ý của các chuyên gia, cơ quan quản lý có liên quan gửi tới ban soạn thảo dự án Luật Giá, các quy định về bình ổn giá được đặc biệt lưu ý.
Theo dự thảo, bình ổn giá là “việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp, biện pháp nhằm ổn định giá hàng hóa, dịch vụ trong một khoảng thời gian”. Cho rằng định nghĩa này chưa làm rõ được phạm vi hàng hóa, dịch vụ được bình ổn giá, cũng như mục tiêu và kết quả cần đạt được, một chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, nếu mục tiêu không rõ ràng thì việc đánh giá hiệu lực và hiệu quả của giải pháp chính sách là hết sức khó khăn.
Điều 19 dự thảo quy định, hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá phải đáp ứng các tiêu chí: là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; có tác động ảnh hưởng toàn diện đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Chưa nói đến định nghĩa “hàng hóa dịch vụ thiết yếu”, mà chỉ việc cơ quan nào đánh giá tác động; tác động toàn diện được đo lường như thế nào; tác động đến mục tiêu nào… cũng còn là những vấn đề quá rộng, cần được khu trú lại. Nếu chưa có đánh giá tác động, hoặc chưa có tiêu chí rõ ràng thì chưa đủ điều kiện pháp lý, căn cứ khoa học và thực tiễn để xác định danh mục hàng hóa bình ổn giá. Rất dễ dẫn đến trường hợp “ôm đồm”!
Bên cạnh đó, dự luật quy định, việc bình ổn được thực hiện khi giá của hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá tăng quá cao hoặc giảm quá thấp trong một khoảng thời gian gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, mặt bằng giá thị trường. Nhưng, biên độ biến động giá đến mức nào thì mới sử dụng giải pháp bình ổn? Khi đánh giá tác động, cần xác định rõ biên độ biến động, 10% hay 20% so với giá tại thời điểm đó. Nếu không có những đánh giá đầy đủ như thế thì sự can thiệp của Nhà nước rất dễ mang tính chủ quan, duy ý chí, tiềm ẩn rủi ro, gây méo mó thị trường.
Bên cạnh đó, cần để cho người sản xuất và tiêu dùng trải nghiệm đầy đủ biến động và quy luật của thị trường. Đối với nhóm yếu thế thì thực hiện trợ cấp trực tiếp cho họ. Với lập luận đó thì công cụ hiệp thương giá cũng cần được cân nhắc rất kỹ, vì công cụ này không rõ mục tiêu quản lý. Không phải không có lý khi Bộ Công thương, trong góp ý gửi đến Bộ Tài chính, đã đề xuất bỏ việc này. Thực tế, nền kinh tế thị trường ở nước ta đã khá phát triển, các doanh nghiệp có đủ công cụ, cách thức và hình thức để thỏa thuận được giá mua và bán.
Một nội dung khác trong dự luật - nguyên tắc quản lý giá - cũng có vẻ khá “ôm đồm”. Bởi lẽ, trừ hàng hóa dịch vụ đặc biệt cần có sự quản lý của Nhà nước, điều quan trọng là phải khu trú lại phạm vi “giá” mà Nhà nước quản lý trên cơ sở nguyên tắc đầu tiên (và quan trọng nhất) là: người bán và người mua tự do định giá và thỏa thuận về
giá mua, bán.
Điều hành giá cả chắc chắn là một trong những công việc cần sự tính toán kỹ lưỡng trên nhiều phương diện, đảm bảo hài hòa các lợi ích, mà trong nhiều trường hợp có thể xung đột với nhau. Vì thế, dự thảo sửa đổi Luật Giá, cần hết sức cụ thể, để vừa bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng, vừa tránh được khả năng lạm dụng quyền quản lý, can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
ANH THƯ