Chiều 22-10 tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Quốc hội sau đó thảo luận tại hội trường về nội dung này.
Ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị giữ tên gọi của dự thảo Luật là “Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở”, đồng thời điều chỉnh bố cục của dự thảo Luật để làm rõ hơn cách thức tổ chức thực hiện dân chủ cơ sở trong từng loại hình và vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Liên quan đến phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, UBTVQH đã rà soát, cập nhật đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động.
Đáng lưu ý, về việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp Nhà nước, UBTVQH thống nhất nhìn nhận, doanh nghiệp Nhà nước hiện nay không chỉ bao gồm các doanh nghiệp có 100% vốn do Nhà nước đầu tư, thành lập, tổ chức quản lý. Do đó, nếu chỉ quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở tại các doanh nghiệp Nhà nước theo Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì sẽ chưa thật sự đầy đủ. “Đề nghị cần có quy định chung về thực hiện dân chủ tại tất cả các loại hình doanh nghiệp cũng như tổ chức có sử dụng lao động nói chung để bảo đảm tính bình đẳng”, ông Hoàng Thanh Tùng nêu rõ.
Về thiết chế Ban Thanh tra nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội. Theo đó, quy định việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở tất cả các loại hình cơ sở (kể cả các tổ chức có sử dụng lao động khu vực ngoài Nhà nước) nhằm bảo đảm sự bình đẳng và tạo cơ chế để nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện quyền kiểm tra, giám sát ở cơ sở. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo chỉnh lý các quy định về cơ cấu tổ chức, nhiệm kỳ và tiêu chuẩn thành viên Ban Thanh tra nhân dân ở từng loại hình cơ sở; không quy định Chủ tịch UBND cấp xã, người đứng đầu cơ quan, đơn vị được quyền giao Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn xác minh những vụ việc nhất định, nhằm đảm bảo tính chủ động, độc lập, khách quan của Ban Thanh tra nhân dân…
Phát biểu tại phiên họp, ĐB Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa-Vũng Tàu) nhất trí nhiều nội dung của dự thảo Luật; cho rằng dự thảo lần này đã đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tháo gỡ những nút thắt trong việc thực hiện, thể hiện đậm nét tinh thần dân chủ.
Cùng quan điểm, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đánh giá cao cơ quan soạn thảo, thẩm tra đã tiếp thu nghiêm túc ý kiến đóng góp của các đại biểu tại kỳ họp trước. Ông Phạm Văn Hoà lưu ý, việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp Nhà nước là rất phù hợp, tuy nhiên, quy định chặt chẽ việc thực hiện dân chủ với khối tư nhân thì chưa hẳn là hợp lý. Hoạt động của khối doanh nghiệp tư nhân đã có quy định cụ thể, rõ ràng, rành mạch với những chế tài trong Luật Doanh nghiệp, Bộ Luật Lao động, Bộ luật Dân sự. Mặt khác, quy định doanh nghiệp tư nhân phải báo cáo định kỳ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cho những người có hợp đồng lao động là không hợp lý, không khả thi, có thể làm ảnh hưởng tới việc bảo mật, đánh mất lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp.
Về thiết chế Ban Thanh tra nhân dân, ĐB cho rằng đây là thiết chế cần thiết ở xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp Nhà nước, nhưng đối với doanh nghiệp ngoài Nhà nước thì sẽ thiếu cơ chế, thiếu kinh phí, khó hoạt động hiệu quả.