Hiện nay, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn Quy chuẩn kỹ thuật chi phối toàn bộ cách thức tiếp cận và phương thức quản lý chất lượng sản phẩm của hàng hóa Việt Nam. Các quốc gia đưa ra các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật để người dân và doanh nghiệp tham chiếu trong hoạt động kinh doanh và cơ quan Nhà nước có căn cứ để kiểm tra xử lý.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, tiêu chuẩn thể hiện thuộc tính kỹ thuật, thể hiện chất lượng sản phẩm hàng hóa, còn quy chuẩn kỹ thuật thể hiện giới hạn kỹ thuật và an toàn của sản phẩm đó. Nhưng ở Việt Nam, quá trình tổ chức thực hiện không đạt hiệu quả và gây ra sự xung đột.
Theo phản ánh của doanh nghiệp, “quy chuẩn đã ban hành thì phải tuân thủ, như đèn đỏ thì không được đi, nhưng ở Việt Nam lại phải thêm bước công bố hợp quy, giống như việc các tổ chức cá nhân lại phải thêm thủ tục đăng ký tuân thủ không vượt đèn đỏ”, ông Dương nói.
Ông Dương cũng nhấn mạnh, công bố hợp quy là việc làm thừa, phát sinh thêm chi phí và thủ tục hành chính, mà không có nước nào trên thế giới làm. Khi đăng ký sản phẩm, doanh nghiệp đã công bố sản phẩm có chỉ tiêu chất lượng, an toàn và đây được xem là giấy khai sinh. Nhưng ở Việt Nam, hàng hóa trước khi đưa ra thị trường lưu thông phải công bố hợp quy, tức là phải đến lấy mẫu lại, đánh giá lại quy trình, coi như là giấy khai sinh thứ hai.
“Có một lô hàng đầu tiên đi kiểm nghiệm lại, thì trong vòng 2 năm, làm sao đảm bảo các lô hàng sau có chất lượng tốt như lô hàng đầu. Ở lĩnh vực nông nghiệp, nay một lô thức ăn, mai lại một lô thức ăn mới thì lại phải công bố hợp quy, đẩy chi phí lên rất cao”, ông Dương phân tích và cho rằng, khi công bố hợp quy, lại coi như sản phẩm an toàn và chất lượng, dẫn đến lơ là hậu kiểm, tạo lỗ hổng pháp luật, mà hậu kiểm mới là chủ chốt.
"Vấn đề sữa giả hiện nay, đều có công bố quy chuẩn hết, nhưng hậu kiểm không tốt nên mới diễn ra tình trạng như vậy”, ông Dương dẫn chứng.
Theo ông Nguyễn Hồng Uy, Trưởng nhóm kỹ thuật Tiểu ban thực phẩm và dinh dưỡng của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), cần bãi bỏ thủ tục công bố hợp quy, áp dụng mô hình của quốc tế là doanh nghiệp công bố quy chuẩn áp dụng cho sản phẩm và cơ quan quản lý kiểm tra, giám sát theo quản lý rủi ro.
Trong đề xuất sửa luật, ông Nguyễn Hồng Uy nhấn mạnh, chuyển Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn thành một chương trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Đồng thời, cần bỏ phân loại hàng hóa theo nhóm 1 và 2, mà phân loại theo nguy cơ (rủi ro thấp, trung bình, cao) để xác định tần suất hậu kiểm. Các hàng hóa có nguy cơ cao và dễ bị sử dụng không đúng mục đích như thuốc, vũ khí, vật liệu nổ thì cần phải đăng ký.