Cần “áo mới” cho loại hình vận tải ứng dụng công nghệ hỗ trợ

Dự kiến ngày 6-2-2018, TAND TPHCM sẽ mở phiên xét xử sơ thẩm vụ kiện tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Taxi Vinasun) đối với bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam.
Hành khách đi taxi Vinasun. Ảnh: Cao Thăng
Hành khách đi taxi Vinasun. Ảnh: Cao Thăng

Sự kiện diễn ra trong bối cảnh Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) đang lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 86/2014 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Tất cả cho thấy hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô trong thời gian tới sẽ có nhiều thay đổi lớn…

“Đại chiến”, vì sao?

Theo nhiều chuyên gia trong ngành vận tải, có nhiều nguyên nhân dẫn tới “đại chiến” giữa taxi và xe vận tải hành khách theo hợp đồng có ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối với khách hàng, nhưng nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất đó là sự khác biệt trong đánh giá, xếp loại loại hình vận tải này giữa cơ quan chức năng và các doanh nghiệp kinh doanh taxi.

Trong chương trình thí điểm, Bộ GTVT “gọi” loại hình vận tải hành khách này là hình thức vận tải theo hợp đồng, còn nhiều đơn vị kinh doanh taxi truyền thống lại cho đó là taxi. Nếu là xe vận tải hành khách theo hợp đồng, giá cước vận tải như thế nào là do thỏa thuận giữa hành khách và nhà cung ứng dịch vụ; Nhà nước gần như không can thiệp.

Xe vận tải hành khách theo hợp đồng đăng ký hoạt động ở các HTX vận tải dịch vụ hỗ trợ thì đóng thuế khoán theo quy định: 2% đối với doanh thu và 5% đối với thuế VAT (thuế VAT này không được khấu trừ). Hoạt động trong HTX vận tải dịch vụ hỗ trợ, trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội thuộc xã viên - chủ xe. Mô hình vận tải hành khách theo hợp đồng nêu trên, thực ra đã có từ rất lâu. Tuy nhiên, do trước đây số lượng xe ít, gần như không cạnh tranh trực diện với taxi nên chưa gây nhiều bức xúc cho các doanh nghiệp kinh doanh taxi.

Thế nhưng, bất chấp Bộ GTVT “gọi” loại hình vận tải mới này là gì, nhiều doanh nghiệp kinh doanh taxi vẫn bảo vệ quan điểm của mình và việc này đã dẫn đến nhiều tranh chấp pháp lý mà cho đến thời điểm hiện nay chưa giải quyết được.

Chủ trương “thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” của Thủ tướng Chính phủ được khẳng định tại văn bản số 1850/TTg-KTN ngày 19-10-2015. Triển khai chủ trương này, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7-1-2016 với phạm vi cho phép thí điểm gồm 5 địa phương: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Quảng Ninh. Thời gian thí điểm trong 2 năm, từ tháng 1-2016 đến tháng 1-2018.
Theo quan điểm của mình, các doanh nghiệp taxi dẫn ra hàng loạt các quy định mà họ cho là không công bằng giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ (tên mà các doanh nghiệp kinh doanh taxi đặt cho loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có ứng dụng công nghệ hỗ trợ).

Đó là taxi truyền thống bị hạn chế về số lượng, bị quản lý giá cước, xe phải kiểm định 6 tháng/lần, thời gian lao động của tài xế tối đa 4 giờ/ca, lái xe phải mặc đồng phục, phải học tập thái độ phục vụ hành khách, bị cấm lưu thông ở nhiều tuyến đường, ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM niên hạn sử dụng xe chỉ được 8 năm…

Trong khi đó, taxi công nghệ có niên hạn sử dụng tới 20 năm, tài xế không bị bó buộc thời gian làm việc trong mỗi ca… Các doanh nghiệp kinh doanh taxi truyền thống phải đóng bảo hiểm xã hội cho tài xế trong khi doanh nghiệp kinh doanh taxi công nghệ không phải làm nghĩa vụ này. Taxi truyền thống đóng 10% thuế VAT (được khấu trừ) và 25% thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trước áp lực của nhiều đơn vị kinh doanh taxi truyền thống, hiện ở một số địa phương cho thí điểm thực hiện “ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” đã bắt đầu điều chỉnh một số điều kiện kinh doanh cho công bằng hơn giữa xe taxi truyền thống và loại hình vận tải mới này.

Hà Nội là một ví dụ, một số tuyến đường cấm xe taxi đã cấm luôn xe vận tải hành khách theo hợp đồng có ứng dụng công nghệ… Tuy nhiên, trong dự thảo sửa đổi Nghị định 86 trình Chính phủ xem xét, Bộ GTVT vẫn định danh loại hình kinh doanh vận tải mới này là kinh doanh theo hợp đồng đối với xe dưới 9 chỗ ngồi…

Cần “áo mới” cho loại hình vận tải ứng dụng công nghệ hỗ trợ ảnh 1 Taxi Vinasun trong một lần yêu cầu Uber và Grab tuân thủ pháp luật Việt Nam. Ảnh: CAO THĂNG
Cần một định danh hợp lý hơn

Là một trong những chuyên gia nghiên cứu sâu về vận tải từ hàng chục năm nay, Thạc sĩ Lê Trung Tính, nguyên Trưởng phòng Quản lý Vận tải thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM và hiện là Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TPHCM cho rằng, dù còn nhiều khác biệt nhưng phải khẳng định là sự xuất hiện của loại hình vận tải ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách đã làm thay đổi căn bản chất lượng dịch vụ phục vụ hành khách của xe taxi. Nhờ có công nghệ hỗ trợ quản lý, hành khách không còn bị tài xế taxi cho “chạy lòng vòng” đường ngắn biến thành đường xa, vừa mất tiền oan, vừa mất thời gian. Quan trọng hơn cả, sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường vận tải đã buộc nhiều taxi truyền thống phải giảm giá cước, tăng khuyến mãi cho khách hàng… Do đó, cần ứng xử với loại hình vận tải mới này theo hướng khuyến khích phát triển để người dân được hưởng dịch vụ vận tải tốt hơn.

Song song đó, theo Thạc sĩ Lê Trung Tính, hiện nay nhiều đơn vị taxi đã áp dụng công nghệ trong quản lý và điều hành xe. Đó là tín hiện đáng mừng… và trong bối cảnh ấy, để taxi hoạt động tốt hơn, Bộ GTVT nên xem xét bỏ bớt những điều kiện kinh doanh taxi không còn phù hợp.    

 Một vị chuyên gia vận tải xin được phép giấu tên cho rằng, khách quan, từ nhiều năm nay, loại hình vận tải hành khách theo hợp đồng đã bộc lộ nhiều bất cập. Trước khi “đụng độ” với taxi, xe hợp đồng đã “đụng độ” với xe vận chuyển hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định. Lợi dụng quy định, xe vận tải hành khách theo hợp đồng được đưa, đón khách theo yêu cầu của khách, nhiều đơn vị vận tải đã đưa xe vào sâu trong nội thành với lý do đón khách hợp đồng nhưng thực chất là đón khách đi liên tỉnh theo tuyến cố định. Một trong những nguyên nhân quan trọng hình thành các bến cóc, xe dù trong nội thành mà mấy chục năm rồi, ngành chức năng gần như “bất lực” không giải quyết được, đó là sự không rõ ràng trong quy định quản lý xe vận tải hành khách theo hợp đồng.

Tiếp tục lấy các quy định về loại hình vận tải đã cũ, gây nhiều tranh cãi “áp” cho một loại hình vận tải rất mới, chưa có tiền lệ, nên chăng? Vị chuyên gia này đặt câu hỏi? Tại sao không nhân cơ hội điều chỉnh lại Nghị định 86/2014, nghiên cứu một loại hình vận tải mới phù hợp hơn? Và không chỉ có vậy, khi “nền kinh tế chia sẻ” đang là xu hướng của thế giới và việc “chia sẻ” các tiện ích, ở đây cụ thể là các phương tiện vận tải sẽ giúp sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên, chống ùn tắc giao thông cho các đô thị lớn, thì Bộ GTVT cũng nên xem xét đến cách thức vận tải này. Từ khoảng 5 năm nay, ứng dụng công nghệ, trên mạng xã hội đã xuất hiện các “dịch vụ đi xe chung”. Dù tự phát nhưng các dịch vụ này vẫn thu hút được nhiều người tham gia, nhất là giới trẻ. Hiện tượng này cho thấy người dân đã bắt đầu quan tâm đến “nền kinh tế chia sẻ” nên nếu không muốn bị lúng túng, Bộ GTVT nên vào cuộc ngay.

Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tài xế, việc phải làm ngay

Khi được hỏi về những bất đồng xung quanh tỷ lệ chiết khấu giữa tài xế và Grabcar trong thời gian gần đây, anh Trần Văn T., một tài xế Grabcar từ những ngày đầu Grab xuất hiện ở Việt Nam chia sẻ, cái khó của các tài xế khi đấu tranh với họ là không kết lại được thành một tổ chức. Trong hầu hết các buổi “tranh cãi” các tài xế chỉ biết “tụ” lại một cách tự phát trong khi bên Grabcar có bộ phận xử lý vấn đề rất bài bản. Theo anh Trần Văn T., dù mọi bất đồng về tỷ lệ chiết khấu đã tạm lắng nhưng nhiều tài xế vẫn ấm ức: “Ví dụ như vì sao Garb lại trừ “giùm” thuế thu nhập giống nhau ở tất cả các tài xế? Trong khi đó, để xem xét mức thuế này phải tính đến việc giảm trừ gia cảnh. Chưa kể, các tài xế đã đóng thuế khoán ở các HTX vận tải…”.

Những bức xúc về thuế của các tài xế, đúng, sai ra sao; trách nhiệm giải tỏa ở các cơ quan chức năng; tại sao các tài xế lại “đơn độc” như vậy? Theo nhiều chuyên gia về quản trị kinh doanh, câu trả lời khá đơn giản, tài xế - chủ xe “tham gia” ứng dụng công nghệ quản lý, hỗ trợ điều hành vận tải với các đơn vị công nghệ nhưng họ lại là xã viên của các HTX vận tải. Tổ chức công đoàn của họ là ở các đơn vị vận tải. Tổ chức này bảo vệ quyền lợi của họ ở các HTX vận tải… Việc xã viên - tài xế - chủ xe ký kết hợp tác kinh doanh của ai ở ngoài HTX, đó là chuyện của họ.

Tuy nhiên, các chuyên gia này cũng cho biết, việc này giống như nhiều nhân viên các doanh nghiệp khác, có hợp tác làm thêm bên ngoài nhưng khác là việc hợp tác với các đơn vị cung ứng phần mềm quản lý, kết nối vận tải của các xã viên - tài xế - chủ xe là việc đem lại thu nhập chính cho họ. Đặc biệt nữa, sự hợp tác này, bên các đơn vị cung ứng phần mềm quản lý “nắm đằng chuôi”… Họ chủ động đưa ra giá cước, các gói khuyến mãi… Trong nhiều trường hợp, các đơn vị cung ứng phần mềm cấp “bù” phần họ khuyến mãi cho xã viên - tài xế - chủ xe nhưng nhiều trường hợp cũng không cấp bù. Và điều này đã và đang gây nhiều bức xúc cho các tài xế. Anh Trần Văn T. cho biết, không ít xã viên - tài xế - chủ xe đã phản ứng rất tiêu cực: họ tắt ứng dụng, đón khách thêm mà không báo về cho đơn vị cung ứng phần mềm. Các tài xế lâu năm, đã có nhiều “mối” quen, rất hay làm cách này. Tất nhiên, đơn vị đầu tiên phải gánh chịu hậu quả là các đơn vị cung ứng phần mềm. Họ mất doanh thu. Và sau đó là Nhà nước thất thu thuế, thị trường vận tải tiềm ẩn nhiều nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh.  

Rõ ràng, đã đến lúc, không chỉ các đơn vị quản lý chuyên ngành mà ngay cả các cơ quan quản lý xã hội phải vào cuộc, nghiên cứu tìm ra các biện pháp quản lý mới, thích ứng với thời đại công nghiệp 4.0 đang hiển hiện ngày một rõ ràng ở nước ta.

NGUYỄN KHOA 

Tin cùng chuyên mục