Theo kết quả nghiên cứu, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam có tổng mức đầu tư khoảng 58,71 tỷ USD, khai thác riêng tàu khách. Dự án có điểm đầu nằm tại ga Hà Nội, điểm cuối nằm ở ga Thủ Thiêm (Quận 2- TP HCM) và kết nối với mạng lưới đường sắt đô thị thành phố.
Trong giai đoạn đầu, tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam sẽ khai thác với tốc độ 200 km/h, về lâu dài có thể khai thác với tốc độ tối đa 320 km/h (tốc độ thiết kế là 350 km/h).
Về phương án lựa chọn công nghệ, đường sắt tốc độ cao sử dụng công nghệ động lực đoàn tàu phân tán (EMU) và tín hiệu điều khiển tàu tự động trên nền tảng vô tuyến điện.
Về phân kỳ đầu tư, giai đoạn đầu dự án sẽ triển khai đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác 2 đoạn là Hà Nội - Vinh (dài 282,65 km) và Nha Trang – TP. HCM (dài 362,15 km) vào năm 2030. Giai đoạn 2 đưa vào khai thác đoạn Vinh – Nha Trang để nối thông tuyến vào năm 2040 hoặc 2045.
Đơn vị tư vấn cho rằng, để vận hành đường sắt tốc độ cao Bắc Nam cần thành lập một công ty đầu tư và quản lý hạ tầng và thành lập 1 công ty vận tải đường sắt tốc độ cao. Công ty này sẽ đầu tư phương tiện, tổ chức vận hành khai thác và bảo dưỡng hạ tầng, phương tiện và trả phí thuê cơ sở hạ tầng cho công ty đầu tư và quản lý hạ tầng.