Cần 10,2 tỷ USD đầu tư các dự án cấp nước sạch

Nhu cầu sử dụng nước sạch của Việt Nam đến năm 2020 sẽ tăng lên khoảng 10 triệu m3/ngày. Để đáp ứng nhu cầu này, Việt Nam cần tới 10,2 tỷ USD đầu tư cho các công trình cấp thoát nước mới, cải tạo và xử lý nước. Để thu hút được hơn 10 tỷ USD, Việt Nam cần có nhiều cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các thành phần kinh tế và quốc tế tham gia. 
 
Theo Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, hiện Việt Nam có gần 800 đô thị với tổng công suất cấp nước sạch khoảng 7,4 triệu m3/ngày, tăng 1,6 lần so với cách đây 10 năm. Dự báo đến năm 2020, dân số đô thị nước ta đạt 44 triệu người và nhu cầu cấp nước sinh hoạt đô thị cũng tăng từ 9,6 - 10 triệu m3/ngày. Theo đó, nhu cầu vốn để xây các nhà máy nước mới, cải thiện hệ thống nước hiện hữu và các nhu cầu khác cần có 3,3 tỷ USD; nguồn vốn đầu tư thêm các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị trong 5 năm tới cũng cần đến 6,9 tỷ USD nữa. Hiện nhu cầu về nước sạch ngày càng cao, nhưng cả nguồn nước mặt và nước ngầm đều đang bị ô nhiễm; hệ thống đường ống dẫn nước đô thị chắp vá, mới cũ lẫn lộn, xuống cấp trầm trọng. Cùng với đó, hệ thống bể chứa nước sạch và bể tự hoại của người dân mỗi nơi một kiểu... Đây là nguyên nhân gây ra tình trạng ngập úng, rò rỉ khiến cho nguồn nước ngọt bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng nước. Ngoài ra, tỷ lệ thất thoát nước sạch đô thị hiện cũng còn ở mức cao, khoảng 24%. Riêng tại TPHCM và Hà Nội, tỷ lệ thất thoát cao nhất so với cả nước, hơn 30%. Nguyên nhân chủ yếu do hệ thống đường ống dẫn nước được xây dựng từ lâu và đã xuống cấp nghiêm trọng (hệ thống ống dẫn nước của TPHCM dài trên 2.000km và được xây dựng cách đây trên 50 năm). Kinh phí để thay thế, sửa chữa hệ thống này rất lớn, quá trình thực hiện lại phức tạp vì phải đi qua nhiều địa bàn dân cư, ảnh hưởng đến nhiều công trình khác.

Mục tiêu của Chính phủ Việt Nam về “Định hướng phát triển cấp nước đô thị”, đến năm 2020, sẽ có 100% dân số ở các đô thị lớn được cấp nước sạch với tiêu chuẩn 150 - 180 lít/người/ngày, ở đô thị vừa và nhỏ 120 - 150 lít/người/ngày. Để đạt được chỉ tiêu này, không có cách nào khác ngoài việc phải bỏ tiền đầu tư từ việc tích lũy giá nước hoặc được Nhà nước cho vay vốn ban đầu, hoặc phải tìm kiếm nguồn tài chính từ các tổ chức và nhà tài trợ quốc tế. Theo tính toán của Hiệp hội Cấp thoát nước Việt Nam, mỗi tỉnh thành cần phải đầu tư thêm 2 - 3 nhà máy nước với công suất 100.000m3/ngày đêm mới đủ nước dùng. Tuy nhiên, để xây dựng một nhà máy nước và mạng đường ống chuẩn, các đô thị cần đầu tư hàng trăm đến hàng ngàn tỷ đồng. Đây là một thách thức rất lớn nhằm đáp ứng nhu cầu nước sạch đang ngày gia tăng.

Theo một số chuyên gia, ngành cấp thoát nước của Việt Nam hiện còn phải đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu. Hơn 90% sự cố thiên tai xảy ra ở Việt Nam đều liên quan tới nguồn nước, gồm: ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng... điều này dẫn tới sự cần thiết phải có một kế hoạch tổng thể cho sự chuẩn bị sẵn sàng, thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Theo đó, các nguồn tài chính cần được xác định và huy động vì chi phí giải quyết liên quan tới tác động của biến đổi khí hậu lên tới hàng chục triệu USD. Để bảo đảm nguồn cung cấp nước bền vững, chúng ta cần có cách tiếp cận tổng thể để quản lý nguồn tài nguyên nước quốc gia. Riêng với ngành cấp nước đô thị, đã đến thời điểm phải có những hệ thống cấp nước liên tỉnh, liên vùng dựa trên sự sẵn sàng của những nguồn nước bền vững. Xã hội hóa cung ứng dịch vụ hạ tầng nói chung và cấp thoát nước nói riêng sẽ đem lại nhiều lợi ích về thu hút thêm nguồn lực tài chính, nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng và vận hành, hạn chế cấp thoát trong đầu tư xây dựng và cải thiện chất lượng dịch vụ. 

Trao đổi về vấn đề này, ông Cao Lại Quang, Chủ tịch Hiệp hội Cấp thoát nước Việt Nam, cho biết thách thức lớn của ngành cấp thoát nước trong thời gian tới là với tốc độ tăng dân số đô thị khoảng 2%/năm thì áp lực nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án cấp nước sạch đô thị cũng tăng cao. Cũng theo ông Quang, sự tham gia của tư nhân còn rất hạn chế, trong khi nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực này vào các năm tới rất lớn. Để bù đắp những thiếu hụt của nguồn tài chính công, đáp ứng yêu cầu đầu tư trong ngành cấp thoát nước thời gian tới, việc khuyến khích sự tham gia của khối tư nhân trong và ngoài nước là hướng đi tất yếu. Tuy nhiên, để thu hút được những thành phần kinh tế này tham gia, Chính phủ cần có nhiều cơ chế hỗ trợ, khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi. Bên cạnh đó, cũng cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chuyên ngành cấp thoát nước từ khâu đào tạo, quản lý và vận hành hệ thống, vì hiện nay đội ngũ này còn thiếu kinh nghiệm thực tế và khả năng dự báo, nhất là trước tác động ngày càng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. 

Tin cùng chuyên mục