Camera bí mật cũng là lý do khiến làn sóng phản đối ở Hàn Quốc ngày càng mạnh mẽ. Để trấn an dân chúng, lực lượng cảnh sát đã thành lập các đội hành động với các trang thiết bị hiện đại có thể phát hiện máy quay và điện tích. Họ kiên nhẫn bỏ ra hàng giờ đồng hồ để săn tìm những chiếc máy quay được giấu kín trong những phòng thay đồ và phòng tắm công cộng. Phạm vi dò quét rất rộng, từ tủ đồ, khung cửa đến vòi tắm, cột nhà... Trung tâm mua sắm và các văn phòng cũng không phải ngoại lệ. Một sĩ quan cảnh sát cho biết sắp tới sẽ kiểm tra rà soát cả các bệnh viện. Ngoài ra, cảnh sát cũng tích cực thực hiện một số cách tiếp cận khác như thanh lọc các trang web để từ đó tìm những video quay bất hợp pháp, kiểm soát chặt hơn các hoạt động mua bán phần cứng máy ảnh... Nhưng việc khám xét các khu vực công cộng vẫn là phương án được chú trọng nhất, dù có thu được kết quả hay không.
Theo Washington Post, Hàn Quốc đang chìm sâu trong “trận chiến” với nạn quấy rối tình dục. Trong năm qua, phong trào #MeToo của nước này đã hạ gục nhiều nhân vật thuộc tầng lớp cao của xã hội khi bị tố cáo có hành động quấy rối tình dục hoặc cưỡng hiếp. Nổi bật trong số đó có cả An Hee-jung, ngôi sao đang lên trong đảng Dân chủ cầm quyền. Số thủ phạm tình nghi mà cảnh sát đã xác định được tăng từ 1.354 người trong năm 2011 lên 5.363 người vào năm 2017; với hơn 95% là nam giới. Hàng chục ngàn phụ nữ đã đổ xuống đường phố Seoul để tham gia biểu tình, với khẩu hiệu “Cuộc sống của tôi không phải phim khiêu dâm của bạn” và đòi sự trừng phạt cho những người quay phim cũng như những người xem chúng. Cảnh sát đã xác định hơn 26.000 nạn nhân của việc quay phim bất hợp pháp trong thời gian từ năm 2012 đến 2016, với hơn 80% là phụ nữ, nhưng rất nhiều người không biết mình là nạn nhân. Theo tiến sĩ Oh Yoon-sung, chuyên về ngành tội phạm học tại Đại học Soonchunhyan, con số thực có thể cao hơn gấp 10 lần.
Sự phổ biến rộng rãi của điện thoại thông minh và lạm dụng mạng xã hội là nguyên nhân góp phần không nhỏ. Khoảng 90% các tội liên quan đến việc quay phim đều sử dụng điện thoại thông minh. Bên cạnh rà soát tìm kiếm camera giấu kín, giáo dục và nâng cao nhận thức người dân cũng được quan tâm. Cảnh sát trưng ra một loạt các đồ vật mà có thể chứa máy quay: chiếc mũ lưỡi trai, thắt lưng, đồng hồ, USB, và bộ chìa khóa xe, giày... Tại sở cảnh sát, khách được thông báo có camera giấu kín và được hỏi họ có biết chúng nằm đâu không... Mục đích là để mọi người nhận thức được rằng việc bí mật quay phim người khác là một tội nghiêm trọng. Người dân không nhận ra hậu quả có thể khủng khiếp đến mức nào cho nạn nhân.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từng khẳng định những máy quay kín đã trở thành “một phần trong cuộc sống hàng ngày” và kêu gọi sự trừng phạt nghiêm khắc hơn những người bị bắt. Theo như số liệu thống kê, chỉ có 5,3% những tội phạm thực hiện hành động này thực sự bị đi tù. Những ngày qua, việc kiểm tra gắt gao tuy không phát hiện ra nhiều camera kín nhưng cũng mang lại cảm giác an tâm hơn cho người dân khi có mặt tại những không gian công cộng.