Cảm xúc Quốc khánh trong lòng người Việt

“Cờ Việt Nam mình đã tung bay trên đỉnh Everest (nằm trên biên giới giữa Nepal và Trung Quốc) vào lúc 7 giờ 15 ngày 22-5-2008” - đó là bản tin ngắn gọn nhất mà một người bạn của tôi gọi về qua điện thoại vệ tinh khi cô theo đoàn các vận động viên chinh phục Everest - ngọn núi cao nhất thế giới trên dãy Hymalaya.

Người Việt Nam đầu tiên cắm lá cờ đỏ sao vàng trên đỉnh Everest ấy là Bùi Văn Ngợi, 24 tuổi. Hai thành viên người Việt khác trong đoàn cũng đặt chân lên “nóc nhà thế giới” chỉ sau Ngợi vài chục phút là Phan Thanh Nhiên (23 tuổi) và Nguyễn Mậu Linh (31 tuổi).

Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên độ cao 8.850m truyền về Việt Nam những ngày ấy khiến nhiều người cũng thấy trào dâng một cảm xúc rất khó gọi tên. Đã hơn 16 năm trôi qua kể từ cột mốc lịch sử ấy nhưng mỗi lần nhớ lại vẫn vẹn nguyên niềm xúc động và tự hào với tình yêu Tổ quốc.

Năm nay, cảm hứng Quốc khánh khởi đầu với việc phủ hình ảnh Quốc kỳ lên những mái nhà. Ai đã từng ra đảo Trường Sa và từ không trung nhìn xuống đảo sẽ thấy lá cờ đỏ sao vàng rộng 310m2 (công trình được hoàn thành vào tháng 6-2012) nổi bật giữa hòn đảo thiêng liêng, giữa biển trời xanh thẳm.

Hay một hình ảnh khác, trên đỉnh Fansipan, cũng dịp lễ này, hàng trăm du khách đã mang màu áo đỏ để dự lễ chào cờ trên đỉnh núi được mệnh danh là “Nóc nhà Đông Dương”. Xa hơn nữa, những công dân Việt Nam đang sống và làm việc ở nước ngoài đã đăng trên Facebook cá nhân hoặc đội nhóm của mình hình ảnh chụp cùng Quốc kỳ với những dòng trạng thái đầy tự hào.

Nhớ lại hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng được những công dân Việt Nam cắm lên đỉnh Everest hay câu chuyện chào cờ trên đỉnh Fansipan dịp lễ 2-9 này chợt nhớ câu chuyện ông Võ Hồng Phúc, nguyên Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, kể lại trên trang cá nhân từ mấy năm trước mà mỗi dịp 2-9 dòng trạng thái đó lại được rất nhiều người nhắc lại và chia sẻ. Đấy là dịp 2-9-1990 (cách nay tròn 34 năm), ông được Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước (sau này là Bộ KH-ĐT), trong bài ông gọi thân mật là ông Sáu Khải (tức cố Thủ tướng Phan Văn Khải) rủ cùng “vi hành” một chuyến miền núi.

Ông Giàng Seo Phử, bấy giờ là Bí thư Huyện ủy Bắc Hà (nay thuộc tỉnh Lào Cai, thời đó là tỉnh Hoàng Liên Sơn) kể với ông Sáu Khải ấn tượng rất đặc biệt trong lần xuống một bản xa của một xã hẻo lánh nhất huyện để dự lễ chào cờ nhân ngày Quốc khánh. Quốc kỳ thời ấy trên này còn ít lắm vì vải không có, mỗi bản có một lá cờ, có bản không có. Mỗi lần xã xuống dự lễ là cán bộ mang theo quốc kỳ. Hôm đó cán bộ xã quên không mang. Đến nơi thấy trưởng bản trao đổi với cán bộ xã vài câu rồi hô to: “Mọi người tập hợp. Nghiêm, đằng sau quay, chào cờ, chào!”.

Mọi người đứng nghiêm, chào cờ. Sau đó trưởng bản hô mọi người quay lại nghe Bí thư Huyện ủy phát biểu chúc mừng lễ 2-9. Xong việc, ông Phử hỏi trưởng bản: “Sao lại đằng sau quay và chào cờ?”. Trưởng bản trả lời: “Lần trước tỉnh cho các trưởng bản có thành tích về Hà Nội thăm Lăng Bác, thấy cái cờ to quá, ta kêu lên “Trời ơi, cái cờ to quá!”, cán bộ dẫn đi giải thích “Đó là cờ chung cả nước, phải to rồi”. Bản ta chưa có cờ, mỗi lần chào cờ dân bản ta đều nhìn về hướng đó, hướng Hà Nội mà, nhìn về cờ chung mà!”. Nghe ông Phử kể, tất cả mọi người vừa cười vừa ứa nước mắt. Ông Sáu Khải bảo chúng tôi: “Dân mình như thế đấy, phải làm sao đừng phụ lòng dân!”.

Câu chuyện kể về buổi chào cờ không có cờ, toàn dân bản cùng quay về hướng Thủ đô để chào cho đến hôm nay đã hơn 1/3 thế kỷ. Đất nước chúng ta đã đổi thay rất nhiều kể từ những năm tháng ấy nhưng có một điều không bao giờ thay đổi là tình yêu Tổ quốc luôn được trao truyền tiếp nối và dâng cao trong lòng người dân vào mỗi dịp Quốc khánh thiêng liêng...

Tin cùng chuyên mục