Cảm xúc chân thành từ trái tim người nghệ sĩ

LTS: Ngày 6-10, Báo SGGP đề xuất cần có ngày tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19. Nhiều giới chức, nhân sĩ, trí thức… đã chia sẻ, bày tỏ ý kiến đồng thuận, đề xuất Quốc hội sớm xem xét chọn ngày thích hợp, có tính biểu tượng để tưởng niệm. Báo SGGP đã ghi nhận ý kiến của văn nghệ sĩ về vấn đề này.
Y, bác sĩ Bệnh viện phụ sản Hùng Vương chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Hoàng Hùng
Y, bác sĩ Bệnh viện phụ sản Hùng Vương chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Hoàng Hùng

* Nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM: Nguồn động viên, an ủi chung cho cả xã hội

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn

Tổ chức ngày tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong dịch Covid-19 là một việc làm rất cần thiết, vừa mang tính tri ân vừa đánh dấu một giai đoạn lịch sử mà mọi người cùng xả thân để phòng chống dịch bệnh, khôi phục sản xuất. Đây cũng là nguồn động viên, an ủi chung cho cả xã hội, nhất là với gia đình những người đã khuất. Tôi thấy việc làm này rất tốt, mang giá trị nhân văn và biết ơn của những người còn sống đối với những người đã khuất.

Tôi nghĩ, không nhất thiết phải chọn một ngày riêng nào đó, mà có thể gộp chung với Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 hàng năm. Trong đợt dịch vừa rồi, có những chiến sĩ, bộ đội, công an; các y, bác sĩ đã mất trong khi làm nhiệm vụ và sự hy sinh đó rất đáng để tri ân. Có những người không may đã mất thì những người còn sống phải tưởng nhớ tới họ, tri ân họ và tiếp tục con đường tốt đẹp mà họ đã cống hiến. Tổ chức ngày tưởng niệm cũng là một cách kích hoạt tư duy, điều chỉnh hành vi sống trong mỗi con người, nhất là văn nghệ sĩ trẻ, để cùng noi gương học tập theo những người đã mất khi làm nhiệm vụ, kế tục sự nghiệp văn học nghệ thuật của thành phố, của đất nước.

* NSND Tạ Minh Tâm: Nghệ sĩ luôn hết lòng với hoạt động tưởng niệm

NSND Tạ Minh Tâm


Lực lượng nghệ sĩ chúng tôi có một số người trực tiếp tham gia các hoạt động chống dịch cùng TPHCM, nên có những cảm nhận khá rõ ràng. Thật sự rất cảm thương trước mất mát, đau thương của đồng bào; kính phục các lực lượng tuyến đầu chống dịch và tự hào về ý chí mạnh mẽ của toàn dân trước nghịch cảnh dữ dội đó.

Ngày tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong dịch Covid-19, tôi nghĩ đó là điều rất cần thiết. Bởi vì, trước bao biến cố lớn của nhân dân, của một quốc gia nào đó hay nhân loại nói chung thường có những ngày tưởng niệm. Chúng ta có thể thấy điều đó qua những ngày tưởng niệm ở các quốc gia khác và ngay ở Việt Nam, hàng năm chúng ta vẫn tổ chức lễ tưởng niệm 64 anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vào năm 1988 trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma (quần đảo Trường Sa). Trải qua dịch bệnh Covid-19 là sự mất mát quá dữ dội đối với Việt Nam. Lần đầu tiên đất nước chúng ta trải qua biến cố dịch bệnh thì việc có ngày tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong dịch Covid-19 là để nhắc nhớ về thái độ, tinh thần đề phòng, cố gắng ngăn chặn, không để xảy ra những biến cố thương tâm như thế nữa và truyền lại kinh nghiệm ứng phó trước dịch bệnh. Đó là bài học lịch sử cho đời sau.

Để chọn được 1 ngày tưởng niệm hàng năm phù hợp, tiêu biểu và cách tổ chức như thế nào cho thật trang trọng là lựa chọn của Quốc hội, Chính phủ. Đây là việc làm thiết thực, phù hợp khi Việt Nam vừa thoát khỏi đỉnh dịch. Các nghệ sĩ hết sức quan tâm, hết lòng với hoạt động tưởng niệm này, bởi vì đây là cảm xúc chân thành từ trái tim người nghệ sĩ. Tôi nghĩ, chắc chắn sẽ có nhiều tác phẩm nghệ thuật văn học, âm nhạc, thơ ca, hội họa… ra đời; các chương trình biểu diễn nghệ thuật, các sản phẩm nghệ thuật tưởng niệm sẽ được sáng tạo, sáng tác và diễn ra phù hợp, trang trọng, đóng góp vào ý nghĩa tinh thần của ngày tưởng niệm.

* Nghệ sĩ Quỳnh Hoa, Phó Giám đốc Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM: Chọn ngày thích hợp, có tính biểu tượng để tổ chức tưởng niệm

Nghệ sĩ Quỳnh Hoa

Là nghệ sĩ trực tiếp tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch trong hơn 4 tháng qua, chúng tôi thật sự quá đau lòng trước những mất mát của biết bao trẻ em mồ côi cha, mồ côi mẹ, bao người mất đi người thân yêu. Ngay cả bạn bè chúng tôi cũng đã có nhiều người ra đi vì Covid-19. Đây là một nỗi đau quá lớn của người dân, của TPHCM.

Dịch bệnh đã làm thay đổi nhiều thứ, khiến bao gia đình mất mát người thân và nỗi đau này vẫn còn đó. Dịch bệnh cho thấy tinh thần dân tộc của Việt Nam, cùng nhau đối mặt và vượt qua nghịch cảnh. Theo tôi, đề xuất nên có một ngày tưởng niệm những cán bộ, chiến sĩ, y, bác sĩ và người dân qua đời vì Covid-19 là rất thiết thực. Cần có một ngày tưởng niệm để chúng ta không chỉ an ủi những gia đình có người thân qua đời vì dịch bệnh, mà còn nhắc nhở tất cả phải luôn cẩn trọng, không chủ quan trước dịch bệnh, thiên tai; định hướng hành động phù hợp trước biến cố. Rất mong đề xuất này sớm được thông qua, Quốc hội sớm xem xét chọn ngày thích hợp, có tính biểu tượng để tổ chức tưởng niệm. Giới văn nghệ sĩ chắc chắn sẽ hết lòng hướng về các hoạt động tưởng niệm này với các chương trình biểu diễn, các sản phẩm nghệ thuật ý nghĩa, trang trọng.

* Ca sĩ Phương Thanh: Nhắc nhớ để chúng ta trân quý cuộc sống này

Ca sĩ Phương Thanh

Là thành viên trong nhóm các nghệ sĩ tham gia làm tình nguyện viên, có cơ hội được đóng góp phần nhỏ bé về tinh thần cho các lượng lượng tuyến đầu trong phòng chống dịch Covid-19, cá nhân tôi thấy mình may mắn khi có cơ hội để cảm nhận rõ hơn sự khốc liệt và rất nhiều mất mát của cuộc chiến này. Càng tận mắt chứng kiến những gian khổ, nguy hiểm của các lực lượng tuyến đầu, càng thấy trân trọng sự hy sinh không thể đong đếm, kể xiết đó. Do vậy, việc có một ngày để tưởng niệm là điều cần thiết, cần làm và nên làm. Đó là sự nhắc nhớ chúng ta cần thấy trân quý hơn cuộc sống này từ những mất mát.

Tôi cho rằng, việc lựa chọn thời điểm thích hợp không đơn giản, bởi hiện nay dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, các lực lượng tuyến đầu vẫn đang căng mình chống dịch. Nên chăng, ngay từ bây giờ cần có sự chuẩn bị tốt nhất cho ngày tưởng niệm này. Có thể bắt đầu từ việc tổ chức lễ cầu siêu tại các chùa như một cách an ủi, động viên và chia sẻ trước những mất mát vì dịch bệnh. Khi tình hình dịch bệnh ổn định hơn, chúng ta sẽ có một ngày lễ tưởng niệm quy mô lớn hơn, chung cho cả thành phố. Cũng có thể tổ chức cả trực tiếp lẫn trực tuyến để tất cả người dân đều có cơ hội theo dõi, tham dự.

Cũng giống như khi tham gia làm tình nguyện viên, bất cứ khi nào được kêu gọi, chúng tôi đều sẵn sàng có mặt, sẵn sàng đóng góp, đặc biệt về mặt tinh thần, để góp phần xoa dịu nỗi đau, lan tỏa thông điệp về sự đoàn kết, lòng biết ơn.

Tin cùng chuyên mục