
Từ ngày 1-1-2008, theo Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ban hành ngày 29-6-2007 của Chính phủ, sẽ đình chỉ lưu thông ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3 - 4 bánh. Theo đó, tất cả xe ba gác (XBG) trên địa bàn TPHCM sẽ bị “khai tử”. Theo thống kê chưa đầy đủ, tại TPHCM hiện có khoảng 60.000 XBG. Gắn với số xe ấy là 60.000 người lao động và sau họ là 60.000 gia đình...
Xe ba gác, cần câu cơm

Xe ba gác tuy có nhiều hạn chế nhưng lại là phương tiện làm ăn quan trọng của rất nhiều gia đình. Ảnh: HỒ VIỆT
Có mặt tại căn nhà cấp bốn của anh Ngô Thanh Tuấn (ngụ G11 khu tái thiết Khánh Hội, phường 6, quận 4 TPHCM) chúng tôi nghe anh kể rằng sau khi đi tù về, anh sống đàng hoàng cũng nhờ cái XBG, bởi người có tiền án tiền sự như anh rất khó xin việc làm ở bất kỳ nơi nào. Ra tù, đang thất nghiệp thì có người bảo đi chạy XBG. Mới đầu thuê xe để chở hàng cho người ta, sau anh gom góp mua được chiếc xe hơn 6 triệu đồng. Nghề chạy xe của anh trở thành nguồn thu nhập chính giúp nuôi sống cả gia đình. Mỗi ngày anh kiếm được từ 150.000 – 300.000 đồng, nhờ vậy mà căn nhà cấp bốn của gia đình anh cũng tiện nghi hơn.
Còn ông Nguyễn Hồng Lai (ngụ 982W6 Đoàn Văn Bơ, phường 10 quận 4, TPHCM) thì cho biết hơn 15 năm qua ông chỉ biết làm mỗi nghề chạy XBG để nuôi cả gia đình, con cái ăn học. Mỗi tháng đóng tiền học cho 2 con và chi tiêu mọi khoản khác gần 4 triệu đồng, tất cả đều nhờ vào cái xe.
Ông Ngô Văn Trung (quê Nam Định) cùng vợ vào Sài Gòn đã 3 năm qua. Vợ đi bán hàng rong còn ông chạy XBG ở khu vực đường phường Phú Thạnh quận Tân Phú. Thu nhập của ông và của vợ vừa đủ để mỗi tháng gửi 2 triệu đồng về quê nuôi 4 con ăn học, còn lại trả tiền phòng trọ và ăn uống, sinh hoạt hàng ngày cho hai vợ chồng.
Xe ba gác, tiểu thương chuộng
Trên thực tế, nhiều người thừa nhận tính hiệu quả của XBG, nhất là tiểu thương các chợ, chủ các cửa hàng vật liệu xây dựng… do loại xe này cơ động trong vận chuyển, phù hợp với mọi điều kiện đường sá, giá thành vận chuyển có thể chấp nhận được.
Chị Na, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng tại quận 8, trần tình: “Nói thật, khách hàng mua vài ba cây sắt, tấm tôn chẳng lẽ cũng phải thuê cả ô tô tải lớn đến chở. Xe tải nhỏ cũng không dám chở vì chắc chắn sẽ bị phạt lỗi quá khổ, hơn nữa giá thành lại cao thì liệu có ai dám thuê không?”.
Ban quản lý các chợ lớn nhỏ tại TPHCM cũng thừa nhận rằng, hàng hóa về chợ do XBG chở là chủ yếu, vì mỗi tiểu thương đều có mối lấy hàng riêng và XBG có thể chạy vào tận sạp để giao hàng cho họ rất tiện. “Cũng số lượng hàng như vậy, nếu thuê XBG chỉ 70 ngàn đồng nhưng thuê một chuyến xe tải phải gấp ít nhất 3 lần giá đó. Hơn nữa kiếm thuê xe tải đâu phải dễ” - một tiểu thương tại chợ đầu mối Bình Điền bày tỏ.
Còn theo ông Bùi Thế Minh, một chủ cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Tô Hiến Thành quận 10, chỉ có XBG mới len lỏi vào được những hẻm nhỏ, vận chuyển được hàng hóa tới mọi ngóc ngách.
Cấm xe ba gác, làm gì sống?
Nghị quyết 32 của Chính phủ (ban hành ngày 29-6-2007) về các giải pháp cấp bách nhằm kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông nêu rõ: Từ ngày 1-1-2008, đình chỉ lưu hành xe tự chế ba bánh, bốn bánh. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ. Tại TPHCM, từ năm 2002, UBNDTP cũng đã có chủ trương cấm, hạn chế loại xe này chạy hoặc đậu trên một số tuyến đường, khu vực trung tâm. |
Trên địa bàn quận 4, hiện có rất đông người hành nghề chạy XBG sinh sống. Tại bãi XBG cảng Tôn Thất Thuyết (đường Tôn Thất Thuyết, quận 4, TPHCM), hầu hết người lái XBG đều trong độ tuổi ngoại tứ tuần, học vấn cao lắm chỉ phổ thông. Theo lý giải của ông Ba Sinh, lái XBG trên 20 năm tại khu vực cảng Tôn Thất Thuyết: “Bọn tui đều là người có tuổi rồi, chạy XBG thì được chứ lao động nặng nhọc không đủ sức. Đi làm nghề khác không ai nhận. Nhà nước cấm XBG, đói thì đầu gối phải bò, nhưng rối lắm, chưa biết tính sao”.
Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa là lệnh cấm có hiệu lực, thế nhưng phần đông những người chạy XBG đều chưa biết rõ về lệnh cấm này. Anh Phạm Viện Hải (ngụ 209/149/73 Bến Vân Đồn, phường 5 quận 4) trao đổi với chúng tôi, khi đang chất than lên xe để sáng sớm hôm sau đi giao cho khách: Tụi tui biết thông tin cấm XBG trên tivi, chứ ở địa phương chưa có ai thông báo.
Đem những lo lắng của người dân phản ánh với chính quyền địa phương và cơ quan hữu quan, ở TPHCM chúng tôi đều nhận được câu trả lời như nhau: “Hiện tại chưa nắm được số lượng XBG đang hoạt động trên địa bàn do phần đông không đăng ký” hoặc “Các phường đang chờ chỉ thị của cấp trên, chưa có văn bản hướng dẫn nào cụ thể từ trên để có thể hỗ trợ hay tìm cách chuyển đổi cho những lao động này”. Tuy thế, cũng có một số phường như Phú Thạnh, quận Tân Phú, đang chủ động lên kế hoạch để triển khai thực hiện Nghị quyết 32. Chủ tịch UBND phường Nguyễn Minh Tấn cho biết phường đã giao cho phó chủ tịch kinh tế phối hợp cùng công an để điều tra số lượng XBG đang hoạt động, sau đó sẽ có phương án cụ thể để hỗ trợ và vận động những người làm nghề này cũng như các cơ sở sản xuất, lắp ráp các loại xe ba bánh chuyển hướng hoạt động. Tuy nói vậy nhưng khi chúng tôi hỏi sẽ hướng dẫn người lao động chuyển hướng như thế nào, ông lắc đầu...
Cần thêm thời gian
Cấm xe tự chế lưu thông để đảm bảo an toàn giao thông là chủ trương đúng. Tuy nhiên để thực hiện hiệu quả, tránh sự xáo trộn cuộc sống của hàng ngàn lao động và nhu cầu vận chuyển hàng hóa chung cần có thời gian. Một năm gia hạn thời điểm thực hiện (từ 1-1-2007 chuyển đến 1-1-2008) của Chính phủ hình như chưa đủ vì thực tế đến giờ này, giải pháp cho người chạy XBG chuyển đổi kế mưu sinh gần như chưa có. Theo nhiều chuyên gia lộ trình chuyển đổi này phải kéo dài thêm một thời gian nữa để có thể định hướng và đào tạo nghề cho người chạy XBG, chuẩn bị nguồn vốn hỗ trợ làm ăn hoặc tìm kiếm phương tiện mưu sinh thích hợp khác cho đối tượng này. Trước mắt, thay vì cấm hẳn, có thể thu hẹp giờ hoạt động của XBG. Ngoài ra, ngành GTCC và cảnh sát giao thông có thể đưa ra thêm các quy định để giảm thiểu tình trạng gây ô nhiễm môi trường cũng như hạn chế thấp nhất khả năng gây mất an toàn giao thông của loại xe này...
NHÓM PV TS-XH
TPHCM: Hỗ trợ vốn XĐGN cho hộ nghèo chạy xe 3-4 bánh tự chế chuyển nghề H.N.L. |