Trong đó, nhiều ý kiến tập trung vào các biện pháp phòng, chống tác hại rượu, bia đối với người chưa thành niên và thanh niên.
Không được ép buộc người khác sử dụng rượu, bia
ĐB Quàng Thị Vân (Điện Biên) chia sẻ, quy định cấm ép người dưới 18 tuổi sử dụng rượu, bia chưa chặt chẽ vì ranh giới giữa ép uống, mời uống, tự uống là khó xác định. “Theo tôi, nên quy định rõ là cấm người dưới 18 tuổi sử dụng rượu, bia. Như vậy sẽ đầy đủ và bao hàm các đối tượng, hành vi bị cấm”, ĐB Quàng Thị Vân nói và đề nghị bổ sung thêm quy định cấm bán rượu từ 15 độ trở lên sau 22 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau vì đây là khoảng thời gian cơ thể cần được nghỉ ngơi, thư giãn, tránh kích thích cho thần kinh và não bộ. Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của một số nước trên thế giới, quy định giờ bán rượu, bia đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần đáng kể trong việc làm giảm các vụ bạo hành, ngộ độc rượu, tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia.
ĐB Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) bày tỏ quan điểm ủng hộ việc dự thảo quy định: “Không được bán, cung cấp rượu, bia cho người dưới 18 tuổi” vì điều này sẽ hạn chế việc tiếp cận của người dưới 18 tuổi với rượu, bia. “Tuy nhiên, để thực hiện tốt quy định này, người bán có được quyền yêu cầu người mua cung cấp thông tin hay xuất trình giấy tờ tùy thân để chứng minh độ tuổi của mình không?” - ĐB Yến Linh băn khoăn và đề nghị vấn đề này cần giao Chính phủ quy định chi tiết ngay trong điều luật làm cơ sở pháp lý cho việc Chính phủ ban hành các quy định hướng dẫn cần thiết khi luật có hiệu lực thi hành để áp dụng thống nhất trong cả nước.
Chia sẻ quan điểm về quy định cấm ép buộc người dưới 18 tuổi sử dụng rượu, bia, ĐB Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) băn khoăn, quy định như vậy là không rõ, không chặt chẽ.
Cùng quan điểm, ĐB Trần Thị Phương Hoa (TP Hà Nội) cho rằng, quy định như dự thảo dễ làm cho mọi người hiểu chỉ cấm ép buộc người dưới 18 tuổi sử dụng rượu, bia, còn trên 18 tuổi không cấm nên ép uống cũng không sao. Thực tế thì người 18 tuổi trở lên mới là đối tượng uống rượu, bia nhiều và tuổi đó mới ép nhau nhiều. “Tôi đề nghị cần quy định cấm ép uống rượu, bia ở tất cả các thành phần, các lứa tuổi chứ không phải chỉ dưới 18 tuổi. Đồng thời, trong dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại của rượu, bia cần phải đưa việc xử phạt đối với trường hợp vi phạm ở khoản này vào” - ĐB Phương Hoa nhấn mạnh.
Cấm quảng cáo như thế nào hợp lý?
Theo ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), từ năm 2014 đến năm 2016, mức tiêu thụ rượu, bia toàn cầu tăng không đáng kể thì mức tiêu thụ rượu, bia của người Việt lại tăng gấp 2 và đây chỉ là con số thống kê được. Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, mỗi ngày tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia làm tổn thất khoảng 250 tỷ đồng, chưa kể những hậu quả nặng nề và lâu dài cho gia đình, xã hội mà không thể đo đếm được. Bia, rượu là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp ít nhất 200 bệnh tật, nằm trong danh mục phân loại bệnh quốc tế. Thế nhưng, các quảng cáo rượu, bia làm cho người nghe nhầm tưởng sự hấp dẫn đến từ một loại thuốc bổ hay thần dược nào đó với những khẩu hiệu như “hào khí ngàn năm”, “chung một đam mê”, “chất men thành công”, “nâng ly vì chí lớn”… ĐB Phạm Trọng Nhân đề nghị, việc quảng cáo bia, rượu phải bị cấm trong tất cả các chương trình trên báo nói, báo hình, báo điện tử, mạng xã hội chứ không chỉ riêng các chương trình thể thao, văn hóa, sân khấu điện ảnh dành cho thiếu nhi.
Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), rượu, bia cũng là một loại hàng hóa phải được quảng cáo nhưng có hạn chế về nội dung, địa điểm, thời gian và loại hình. Có một điều rất quan trọng là không cần giới hạn độ cồn trong quảng cáo vì “rượu nhạt uống lắm cũng say”. Do vậy, yêu cầu chung đối với quảng cáo các chất có cồn là không được quảng cáo trên các phương tiện, quảng cáo ngoài trời. Quy định như vậy sẽ đảm bảo được quảng cáo nhưng có hạn chế, đặc biệt là hạn chế về mọi độ cồn từ thấp đến cao.
Còn theo ĐB Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam), dự thảo cho phép tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo sản phẩm bia trong các chương trình thể thao, văn hóa sân khấu, điện ảnh và các phương tiện quảng cáo ngoài trời đối với bia có nồng độ cồn dưới 5,5 độ. Quy định này chưa phù hợp và tạo khoảng trống pháp lý rất lớn trong hoạt động quảng cáo sản phẩm bia, bởi vì hiện nay trên thị trường bia của Việt Nam chủ yếu các sản phẩm bia có nồng độ cồn từ 4 đến dưới 5,5 độ, nồng độ cồn trong bia từ 5,5 đến dưới 15 độ có sản xuất nhưng không nhiều. Đây là điều cần cân nhắc lại cho phù hợp vì sẽ tạo điều kiện để các nhà sản xuất bia và nước sản xuất có cồn lách luật bằng cách sản xuất các sản phẩm có nồng độ thấp dưới 5,5 độ.