Sự hấp dẫn của những lễ hội ngày xưa ấy không chỉ đơn giản là các nghi lễ, tập tục truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, mà ở đó còn có sức hút bởi các trò chơi dân gian vui nhộn, mang lại cho người tham dự sự hưng phấn, thích thú cùng tiếng cười sảng khoái.
Thế nhưng, ngày nay quy mô và hình thức tổ chức nhiều lễ hội mùa xuân ở quê tôi cũng như nhiều địa phương trong nước đã biến đổi một cách tẻ nhạt. Nhiều trò chơi dân gian bị biến thái, mang nặng tính cờ bạc, sát phạt đỏ đen. Ngày trước, các trò chơi dân gian như bịt mắt bắt dê, đập niêu đất, ném vòng cổ chai, ném bóng bàn vào chậu thau, chọi gà, cờ tướng, cờ người... đều có trong bất cứ lễ hội nào, nhất là các lễ hội lớn mang tầm cỡ vùng miền, và thực sự là các trò chơi dân gian thuần túy, mang tới cho người chơi cũng như người xem tiếng cười, niềm vui.
Giải thưởng cho người thắng cuộc chỉ là món quà nhỏ, không nặng về giá trị vật chất mà đề cao yếu tố tinh thần. Nay, nhiều trò chơi dân gian đã không còn hiện diện tại lễ hội, hoặc nếu có xuất hiện thì cũng thành trò cờ bạc núp bóng để các con bạc có máu đỏ đen ăn thua sát phạt nhau.
Các “trò chơi dân gian” trá hình này vẫn được ban tổ chức lễ hội cấp phép đàng hoàng, và vì thế mà mọi người đi lễ hội cũng đương nhiên là được “đánh bạc” thông qua trò chơi một cách bán công khai, nghĩa là tham gia trò chơi bằng hình thức đặt tiền nhưng không lo bị công an bắt.
Không chỉ người chơi trực tiếp tham gia đánh bạc với đối tác, mỗi ván lên tới cả tiền trăm, tiền triệu, mà những người xem xung quanh cũng có thể “ké” theo người chơi để đặt cửa thắng - thua. Ngay như chọi gà, vốn là một loại hình trò chơi dân gian luôn thu hút được rất nhiều người tham dự, thì ngày nay nó bị biến tướng một cách đáng buồn.
Chuyện đánh bạc và đánh bạc cực lớn thông qua đá gà đang là hồi chuông cảnh báo của dư luận về việc có nên để trò chơi này xuất hiện nơi các lễ hội hay không, bởi lẽ cứ ở đâu có đá gà là ở đó có cờ bạc xôm tụ. Hầu như chẳng có nơi nào loại hình đá gà được tổ chức mà lại không có cá độ trong đó.
Dư luận thực sự không hài lòng và đã lên tiếng liên tục về thực trạng rất nhiều trò chơi dân gian bị biến tướng để người ta tham gia đánh bạc xuất hiện tại các lễ hội, mà không hiểu sao nó vẫn cứ ngang nhiên tồn tại. Để các loại hình trò chơi trong lễ hội không bị biến tướng thành các trò cờ bạc thì ngành văn hóa và chính quyền các địa phương cần nghiêm khắc, từ khâu cấp phép đến việc giám sát hoạt động của các trò chơi tại lễ hội. Nếu phát hiện tổ chức, cá nhân nào kinh doanh trò chơi theo hình thức đánh bạc với mức tiền lớn thì phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.