Sau khi Báo SGGP đăng bài “Chợ pháo” đại náo trên mạng và “Chợ pháo” đua nhau… bán tháo, nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước nên cấm triệt để việc người dân đốt pháo hoa. Báo SGGP giới thiệu ý kiến của bạn đọc xung quanh vấn đề này.
Ông MAI VĂN CHIẾN, xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai: “Cai” được rồi thì “dứt” luôn!
Có một thời, cứ sau ngày đưa ông Táo về trời là râm ran tiếng pháo đó đây. Thời khắc Giao thừa lẽ ra trang nghiêm, trầm mặc, nhà nhà mở cửa đón xuân, nhưng những nhà có ông, bà lớn tuổi hay trẻ sơ sinh thì cửa đóng then cài vì lo bị ảnh hưởng bởi tiếng nổ và khói pháo. Thuở ấy, cứ mấy ngày cận tết là có hàng trăm ca cấp cứu. Từ tai nạn, thương tật do làm pháo, đốt pháo, tranh giành pháo của thanh niên, trẻ nhỏ cho đến các cụ già lên “tăng xông”, trẻ nhỏ bị ngạt khói…
Kể từ khi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký lệnh cấm đốt pháo, tình hình mấy ngày tết rất an bình, không khí trong lành. Và, nhờ không đốt pháo, người dân tiết kiệm được một số tiền không nhỏ. Chúng tôi xem đốt pháo như một trong những thói quen không lành mạnh. Khi đã “cai” được rồi thì nên “dứt” luôn!
Ông NGUYỄN NGỌC ĐỨC, Chủ tịch UBND phường 4, quận 3, TPHCM: Không đốt pháo giúp tiết kiệm tiền
Theo tôi, Nhà nước nên tiếp tục cấm triệt để hành vi đốt pháo hoa. Bởi vì việc đốt pháo kéo theo rất nhiều hệ lụy như: mất an toàn cho người dân, dễ dẫn đến cháy nổ, gây khó khăn trong công tác quản lý, đặc biệt là tình trạng buôn lậu pháo dẫn đến thất thoát ngân sách của Nhà nước. Về kinh tế, việc cấm đốt pháo giúp chúng ta hàng năm tiết kiệm được nhiều tỷ đồng. Trong khi đó, chúng ta là một nước chưa giàu, thu nhập bình quân đầu người chưa cao, còn nhiều vùng khó khăn cần sự quan tâm đầu tư, còn rất nhiều người nghèo cần sự chia sẻ, đùm bọc. Số tiền tiết kiệm được từ việc đốt pháo sẽ đóng góp đáng kể để giải quyết những việc trên.
Bà TÔ BÍCH THUẬN, phường Dương Nội, quận Hà Đông, TP Hà Nội: Nhu cầu pháo hoa rất cao
Ngày tết ai cũng mong ngóng được nghe và chiêm ngưỡng pháo hoa. 2-3 cái tết gần đây, Bộ Quốc phòng đã cho phép bán pháo hoa và một số sản phẩm pháo của Nhà máy Z121. Lần đầu tiên khi pháo được bán rộng rãi trên thị trường, sức mua rất lớn, gây ra tình trạng “cháy hàng” và giá bị đẩy lên cao gấp 3-4 lần, cho thấy nhu cầu thị trường về mặt hàng này rất cao. Hy vọng những năm sau, Nhà nước có thể nới lỏng các quy định về pháo hoa, Bộ Quốc phòng đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng hơn để người dân được thoải mái tận hưởng tiếng pháo hoa ngày tết!
Ông LÊ THÀNH HƯNG, 51 phố Cảm Hội, phường Đống Mác, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội: Ủng hộ đốt pháo hoa theo quy định
Tôi mong muốn Nhà nước tiếp tục cấm người dân tùy tiện mua bán, sử dụng các loại pháo trong dịp tết. Với pháo nổ, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đưa ra chỉ thị rất đúng. Nếu hơn 20 năm qua mà vẫn duy trì tục lệ đốt pháo thì thiệt hại không thể đo đếm được. Tuy nhiên, riêng loại pháo hoa mà Nhà nước tổ chức đốt vào đêm Giao thừa thì tôi ủng hộ, kể cả pháo hoa có tiếng nổ. Vì đây là cơ quan chức năng tổ chức đốt nên đảm bảo an toàn.
Ông TRẦN VĂN MAU, Chủ tịch UBND phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TPHCM: Cấm triệt để đốt pháo
Tôi cho rằng không nên cho phép đốt pháo trở lại dù là pháo hoa để phải chứng kiến những hậu quả đau lòng do nạn đốt pháo gây ra như đã từng xảy ra. Theo tôi, nên cấm triệt để đốt pháo vì sẽ gây ra sự lãng phí, dễ gây cháy nổ, ảnh hưởng đến sức khỏe của người đi đường. Trên thực tế, có trường hợp người dân đang tham gia giao thông, bất ngờ nghe tiếng pháo nổ, bị giật mình dẫn đến tai nạn, ngoài ra còn nhiều rủi ro khác có thể xảy ra. Do đó, cấm triệt để đốt pháo là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Mặc dù nhiều người dân ủng hộ việc cấm triệt để các loại pháo trong dịp tết, nhưng thực tế vẫn có rất nhiều ý kiến chia sẻ trên các diễn đàn, mạng xã hội về mong muốn được phục hồi một phần phong tục đốt pháo, tạo không khí đặc trưng cho ngày tết. Vì vậy, năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 137 về quản lý, sử dụng pháo. Trong đó, người dân được sử dụng pháo hoa không gây ra tiếng nổ trong một số trường hợp. Còn pháo nổ, pháo hoa gây tiếng nổ thì người dân không được tự ý sử dụng.
Theo thống kê, từ ngày 15-11-2022 đến nay, sau 6 tuần thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm theo chỉ đạo của Bộ Công an, lực lượng tại các địa phương đã bắt giữ 588 vụ, 766 đối tượng, thu 16.570kg pháo trái phép; trong đó có 17 vụ, 29 đối tượng chế tạo, sản xuất pháo trái phép, tịch thu 252,7kg pháo.