Trước, là chuyện tác quyền trong âm nhạc, là chuyện kiếm tiền dễ như bỡn của đơn vị được cho là bảo vệ quyền lợi người viết nhạc với vài chục tỷ đồng doanh thu chỉ trong 6 tháng đầu năm, cùng những lời than phiền đâu đó về sự thiếu minh bạch - lập lờ trong thu - chi của đơn vị này. Nay, chuyện tác quyền lại nóng trở lại ở một “mặt trận” cũ nhưng mới - gameshow truyền hình.
Đáng nói là dù lượng người xem giảm sút đáng kể nhưng gameshow vẫn trăm hoa đua nở, nhiều tới mức chẳng mấy ai nhớ nổi tên, giờ chiếu lẫn mặt thí sinh. Gần đây, các gameshow lĩnh vực sân khấu xuất hiện ngày càng nhiều, kèm theo đó là các tiểu phẩm ngắn sử dụng trong các chương trình cũng bùng nổ theo.
Trong khi nguồn kịch bản ngày càng eo hẹp, hiếm có kịch bản hay, người viết kịch bản cũng chẳng sống nổi với nghề, nói gì đến việc nuôi chất xám để sáng tạo kịch bản mới. Vậy nguồn kịch bản tiểu phẩm cho gameshow lấy từ đâu ra mà nhiều như vậy? Khó quá thì lấy nguồn kịch bản sân khấu có sẵn lâu nay, sửa chút chút rồi tung ra thi thố, thế là vẹn cả đôi đường!
Không phải đến chương trình Sao nối ngôi mới đây trên một đài tỉnh có lượng người xem ổn định, giới sân khấu mới nổi sóng trước việc một nghệ sĩ hậu bối “hồn nhiên” sử dụng kịch bản từ một vở kịch khác đưa vào dự thi mà không xin phép tác giả. Trước đó, đã râm ran nhiều câu chuyện về việc xài chùa của đơn vị sản xuất cũng như những nghệ sĩ tham gia gameshow lĩnh vực sân khấu, khi bê nguyên xi công sức của người khác lên sàn diễn. Một soạn giả cải lương nổi tiếng từng than trời khi vô tình mở tivi xem một trích đoạn vở diễn “con đẻ” của mình, được nhân bản ở nhiều gameshow truyền hình. Nhiều tác giả khác chỉ biết đến sự việc qua báo chí hay mạng xã hội. Đến lúc đó, mọi sự đã rồi!
Đó là chưa nói tới một địa hạt khác mà chuyện vi phạm tác quyền không thể kiểm soát nổi. Những vở diễn tốt nghiệp của sinh viên các trường nghệ thuật cũng được “phóng tác” thêm thắt đôi chút vào kịch bản gốc, trở thành sản phẩm tốt nghiệp diễn báo cáo trước nhiều người. Thậm chí, có vở diễn tốt nghiệp còn được các sân khấu chuyên nghiệp đưa vào lịch diễn thường xuyên, vi phạm tác quyền tinh vi đến mức cả chính tác giả kịch bản gốc cũng chẳng hay.
Trở lại với gameshow ở trên, sau khi chính những người làm nên tác phẩm gốc bức xúc lên tiếng, dư luận lên án, trên trang mạng của chương trình, đơn vị tổ chức cho rằng, việc sử dụng kịch bản chưa xin phép đó chỉ là “cảm tác” từ vở kịch Tía ơi má dìa, tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc, đạo diễn Vũ Minh - sân khấu kịch IDECAF, chứ họ không lấy “nguyên tác” của tác phẩm. Vậy lấy kịch bản gốc của người khác, thêm thắt đôi chút, đưa ra thi thố, truyền hình tới cả triệu khán giả mà không ghi nguồn kịch bản, là hành động “cảm tác” hay chôm chĩa trắng trợn của cả ê kíp?
Rõ ràng đang có sự mập mờ giữa “cảm tác” và “chuyển thể” từ một tác phẩm văn học, nhất là khi tác phẩm đó đã định danh. Với việc lấy nguyên đoạn tự thoại trong tác phẩm gốc ra thi thố mà không xin phép, không dẫn nguồn thì không còn là cảm tác nữa mà là chuyển thể từ tác phẩm gốc. Điều này, nhóm thực hiện ắt hẳn đều biết nhưng phớt lờ.
Có ý kiến cho rằng, thí sinh tham gia các gameshow trên truyền hình tại sao phải trả tiền tác quyền, bởi họ không biểu diễn kiếm tiền mà là đang thi thố? Trong trường hợp này, thí sinh không phải là đối tượng thụ lợi trực tiếp nhưng nhà đài, đơn vị sản xuất lại có lợi trực tiếp. Họ thu lợi nhuận từ chương trình và từ các tiết mục của thí sinh. Nhưng việc xin phép hay trả tiền bản quyền cho tác giả thì lại bị họ phớt lờ, hoặc làm ngơ. Nhà đài đẩy trách nhiệm qua đơn vị sản xuất vì đã “bán sóng”. Đơn vị sản xuất phải chịu chuyện xác minh bản quyền, kể cả những phiền phức kiện cáo nếu có, dù đáng lẽ ra nhà đài phải cùng chịu trách nhiệm.
Giữa người bị đánh cắp và kẻ cắp, sự thỏa hiệp “ngầm” đã khiến cho tình trạng vi phạm bản quyền, nhất là trong các gameshow trên truyền hình ngày càng nhiều và có dấu hiệu lờn thuốc.
Từ năm 2012, nhạc sĩ Quốc Trung - một người rất tích cực chống nạn vi phạm bản quyền - cùng nhạc sĩ Huy Tuấn phát động phong trào “Nghe có ý thức”. Thực ra, đây là tên của một chiến dịch vận động mọi người quan tâm và ủng hộ, chấp hành các quy định về bản quyền. Phong trào kêu gọi ý thức của công chúng, ý thức xây dựng của những người làm nghề và tất cả ai tham gia vào nền công nghiệp âm nhạc đoàn kết cùng đóng góp xây dựng đời sống âm nhạc Việt ngày một lành mạnh, công bằng và phát triển hơn. Qua thời gian, “nghe có ý thức” có vẻ đã trở thành “cuộc chiến không cân sức” giữa người bị “đánh cắp” và “kẻ cắp”, còn khán giả thì tiếp tục bị lừa lọc trên sóng truyền hình.
Nền công nghiệp văn hóa không thể phát triển, chuyên nghiệp nếu cứ tồn tại thói quen “xài chùa”. Việc kêu gọi người nghe, người xem có ý thức là đúng nhưng chính các nhà đài, các đơn vị sản xuất chương trình truyền hình cũng phải có ý thức, đạo đức làm nghề. Nếu cứ làm sai, xin lỗi và tiếp tục sai thì câu chuyện bản quyền sẽ mãi không hồi kết.